Gần 10 năm sau khi cơ cấu lại tổ chức, nhiệm vụ và chức năng của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, công tác này đã đạt được rất nhiều kết quả, góp phần củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân. Tệ nạn tham nhũng, lãng phí về cơ bản đã được đẩy lùi, nhưng thời gian gần đây, số vụ việc tham nhũng, tiêu cực lại có xu hướng gia tăng.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.264 vụ/2.038 bị can, truy tố 742 vụ/1.594 bị can, xét xử sơ thẩm 737 vụ/1.567 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” do tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp, vẫn có những cán bộ, đảng viên không phát huy vai trò xung kích đi đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh. Thậm chí, còn lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, cố ý trục lợi trong sử dụng, mua sắm, nâng khống giá trị thiết bị y tế, làm thất thoát ngân sách nhà nước, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Đến nay, sau gần 5 tháng tiến hành, cơ quan điều tra của Bộ Công an đã khởi tố 30 bị can liên quan tới vụ Công ty CP công nghệ Việt Á. Trong đó, có 3 cán bộ cấp vụ (thuộc Bộ Y tế, Bộ KH-CN), 8 giám đốc CDC các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, nhiều lãnh đạo CDC của các tỉnh, thành phố trước khi bị bắt đều khẳng định “không nhận một đồng hoa hồng nào của Việt Á”… Thế nhưng, khi cơ quan điều tra vào cuộc đã phát hiện rất nhiều vấn đề tiêu cực, như: Ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương, nhận “hoa hồng” 27 tỷ đồng; ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang cùng 2 người khác, nhận 44 tỷ đồng….
Tham nhũng, tiêu cực nảy sinh từ lòng tham của cá nhân, được biểu hiện đa dạng và luôn biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tính chất đặc biệt của chủ nghĩa cá nhân, chỉ ra nhiều biện pháp kiên quyết phòng trừ và cần “phải diệt tận gốc” thứ cỏ dại này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng đặt câu hỏi: Vì sao chống tham nhũng mạnh mẽ như thế, xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm mạnh như thế, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn cứ tồn tại?
4 nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra cách đây gần 30 năm (về chệch hướng XHCN, tụt hậu về kinh tế, nạn tham nhũng và “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch) đến nay vẫn còn thường trực. Trong đó, nguy cơ về tham nhũng, tiêu cực luôn chực chờ để trỗi dậy trở thành quốc nạn nếu không có biện pháp đấu tranh và ngăn ngừa quyết liệt.
Việc Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua Đề án thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Như lời phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ban Chấp hành Trung ương cũng đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, coi đây là việc làm cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Nghiêm túc tổ chức, hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như nêu trong Đề án chắc chắn sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu lực, hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo đúng tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, Dọc ngang thông suốt!”.
PV