Bởi, không chỉ giúp bù đắp tài chính và doanh thu cho cả giai đoạn đình trệ xuất khẩu vì đại dịch mà còn tạo thế và lực mới cho doanh nghiệp xuất khẩu phát triển vững vàng và ổn định hơn; tăng khả năng thích ứng linh hoạt và chủ động hơn khi kinh tế thế giới có biến động bất thường.
Định hướng phát triển song song
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chuyên gia Thị trường thuộc Công ty TNHH MTV Nghiên cứu Thị trường AAA, trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng diễn ra sâu rộng như hiện nay. Tới lúc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nhận ra rằng, không đâu bằng chính thị trường "ao làng" và việc chinh phục người tiêu dùng trong nước thực sự đem lại những lợi thế không thể so sánh.
Không chỉ rủi ro về thủ tục hải quan, hồ sơ xuất nhập khẩu và nặng nề nhất là chi phí vận chuyển, dịch vụ lưu kho, bến bãi... khiến cho sản phẩm xuất khẩu chạm chân tới thị trường quốc tế là 1 hành trình vừa dài, vừa nhiều "gánh nặng". Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải chấp nhận gia công những đơn hàng có lợi nhuận rất thấp chỉ để giữ thị trường và có việc làm cho người lao động; trong khi nếu sản xuất và tiêu thụ trong nước sẽ giúp luân chuyển dòng tiền nhanh hơn, an toàn và chắc chắn hơn.
Phản ánh từ doanh nghiệp, bà Nguyễn Kim Huệ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Sản xuất Trần Gia cho biết, đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp và "tập tọe" tham gia vào thị trường xuất khẩu thì có được những đơn hàng từ đối tác quốc tế là vô cùng quý giá. Việc đưa được sản phẩm, hàng hóa ra thị trường nước ngoài là cách để nâng tầm vị thế cho doanh nghiệp nên đôi khi xuất khẩu nhằm mục đích phát triển thương hiệu là chính chứ không thuần túy chỉ vì lợi ích thương mại.
Do đó, với một số thị trường được lựa chọn, doanh nghiệp vẫn chấp nhận những đơn hàng có tổng giá trị (gồm cả cước vận chuyển cùng một số chi phí khác) ngang bằng với giá thành bán ra tại thị trường Việt Nam. Điều này khá bất cập và cũng khiến doanh nghiệp phải đau đầu, tính toán và cân đối.
Từ thực tế đó, bước sang năm 2023, công ty đã xây dựng kế hoạch và chiến lược phát triển mới. Theo đó, định hướng phát triển song song cả xuất khẩu và thị trường nội tiêu. Thống nhất sử dụng chung một tiêu chí chất lượng mặt hàng, sản phẩm bởi hiện tại nhu cầu, thị hiếu và cả mức chi tiêu của số đông người Việt đã cải thiện rất nhiều, thậm chí còn vượt trội ở một số phân khúc và đối tượng khách hàng.
Theo bà Huệ, sẽ không có sự đầu tư dàn trải mà chỉ là việc nâng phẩm cấp hàng hóa để thống nhất cách phân phối ra thị trường. Lựa chọn này cũng là cách mà doanh nghiệp đang tận dụng mọi cơ hội để đẩy nhanh tiến trình phục hồi, không ngừng tích lũy nguồn lực để có những đột phá mới trong thời gian sắp tới.
Chinh phục thị trường nội địa
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quay lại mở rộng thị trường trong nước đang là hướng đi mới của nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn và rào cản vẫn hiện hữu khi quay lại thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm đại trà cùng loại giá rẻ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, định hướng và giải pháp đầu tiên của các doanh nghiệp xuất khẩu ngành may là việc thay đổi kết cấu thị trường. Vitas đang khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp may mặc xuất khẩu phải tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa để có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Thực tế cho thấy, quay về thị trường nội địa không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn đầu ra mà còn làm tăng vị thế của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và tạo đà cho doanh nghiệp tiếp tục vươn ra thị trường nước ngoài. Một trong những điển hình là Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến.
Để khẳng định được tên tuổi và vị thế tại thị trường nội địa và hội nhập toàn cầu với chiến lược cạnh tranh hợp lý, theo ông Giang, sản phẩm của Việt Tiến đã đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường từ người tiêu dùng có thu nhập trung bình, khá đến cao cấp. Hiện, Việt Tiến là một trong những doanh nghiệp có hệ thống cửa hàng lớn nhất trong ngành may mặc với 1.300 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm trên khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Việc quan tâm đầu tư vào thị trường nội địa đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, mục tiêu của doanh nghiệp đặt ra là đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu mang thương hiệu Việt Tiến sẽ đạt từ 10%-15% tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam, với kim ngạch 1,2-1,4 tỷ USD toàn hệ thống Việt Tiến. Việt Tiến cũng sẽ xây dựng giải pháp bán trực tuyến, với tỷ lệ từ 25% - 35%.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng về các địa phương mà doanh nghiệp có nhà máy hoặc củng cố các xí nghiệp, công ty con tại Tp. Hồ Chí Minh, đưa quy mô lao động toàn hệ thống từ 50.000 - 60.000 lao động. Đồng thời, xây dựng tầm nhìn đầu tư nhà máy sản xuất ra nước ngoài.
Thành công của các doanh nghiệp xuất khẩu khi quay về thị trường nội địa đã cho thấy, thị trường nội địa là “điểm tựa” an toàn cho doanh nghiệp xuất khẩu khi gặp khó khăn. Quay về thị trường nội địa bằng cách nhanh chóng nắm bắt thói quen, tâm lý tiêu dùng của người Việt sẽ giúp các doanh nghiệp tìm ngay được thị trường cho riêng mình, tránh những rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt văn hóa với các thị trường ngoài nước. Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp dễ thích nghi, dễ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam và tích lũy thêm được tiềm lực để tiếp tục vươn ra thị trường thế giới.
Nguồn TTXVN