Đây là đánh giá nổi bật được các đại biểu Quốc hội nhận định trong phiên thảo luận cuối tuần vừa qua về tình hình kinh tế - xã hội của nước ta năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023 tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đang diễn ra ở Thủ đô Hà Nội.
Thành tựu đạt được trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức do biến động tiêu cực của tình hình thế giới và tác động từ đại dịch Covid-19 là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian. Đồng thời, thường xuyên chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.
Kết quả đáng kể là đến nay, ở các bộ, ngành trung ương đã giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 90% số phòng trong vụ. Ở cấp địa phương giảm được 7 sở và 2.159 tổ chức phòng thuộc sở và thuộc UBND cấp huyện. Đặc biệt, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa gần 2,2 nghìn quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật... Ngoài ra, các bộ, ngành đã công khai, cập nhật hơn 17,8 nghìn quy định kinh doanh; cung cấp hơn 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Nhìn một cách tổng thể, Chính phủ đã thể hiện tinh thần tiếp tục đổi mới, hành động, quyết liệt và trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển đất nước.
Chính phủ luôn thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe với cộng đồng doanh nghiệp, người dân, trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Chính phủ đã kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ tình hình thế giới và trong nước có nhiều bất lợi với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; cân đối, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Trong nhiều chỉ đạo với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn nhấn mạnh quan điểm: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm…”. Như vậy, trong thực thi nhiệm vụ, các cấp, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu luôn phải bao quát toàn diện, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện bất cập, những vấn đề mới phát sinh, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, phù hợp; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt và hiệu quả.
Trên tinh thần này, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để bảo đảm xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đặc biệt là tập trung triển khai các giải pháp bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ.
Kiên định, nhất quán, bình tĩnh, giữ vững nguyên tắc trước những vấn đề khó khăn, thách thức mới, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, hành động, sáng tạo, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng thời, luôn luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển.
Nâng cao chất lượng bộ máy hành chính, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, cùng chung tay khơi lên khát vọng phát triển, vươn lên từ sức mạnh nội lực là cơ bản, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá; qua đó góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Theo Hà Nội mới