Làm sao để dạy và học cho an toàn
Hôm nay (4/5) 63/63 tỉnh thành đồng loạt cho học sinh trở lại trường sau “kỳ nghỉ Tết nguyên đán đặc biệt” chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19.
Chắc chắn, giáo dục Việt Nam - với đặc điểm và phong cách riêng sẽ gặp khó khăn rất lớn khi thời lượng dạy và học bị rút ngắn. Phương pháp dạy học cũ “đọc - chép” đã tạo ra sự bị động sẵn có, và khi nhà trường đóng cửa, dạy và học rất khó vận hành.
Tóm lại giai đoạn khó khăn này cũng là lúc chúng ta phải xem lại phương pháp học tập của mình từ trước đến nay, để có sơ đồ kiến thức cần học, tự giác đặt ra mục tiêu một cách chủ động và nghiêm túc.
Làm sao để dạy và học an toàn? Làm sao để phát hiện xử lý nhanh nếu không may COVID-19 tấn công trường học? Và xa hơn, làm sao để có một nền giáo dục gọn nhẹ, ứng phó linh hoạt với những vấn đề bất thình lình xảy ra như thiên tai, dịch họa...?
Ngay lúc này, ngành giáo dục đối mặt với hai nhiệm vụ hóc búa là sự an toàn cho học sinh, xã hội và đảm bảo khối lượng chương trình, kiến thức để kết thúc năm học này.
Hậu COVID-19, giáo dục xuất hiện nhiều vấn đề mới
Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand là những nền giáo dục ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh do những nước này xét tốt nghiệp trên cơ sở kết quả học tập trong năm của học sinh và kết hợp với một bài kiểm tra hay thi cuối cùng để lấy điểm xét tốt nghiệp.
Luật giáo dục mới nhất của nước ta (2019) không có điều khoản nào nói đến việc dạy, học và thi cử sẽ tiến hành như thế nào nếu như thiên tai, dịch họa xảy ra. Nếu tổ chức xét tốt nghiệp sẽ phạm luật! Nhưng luật là một biến số, phải luôn cập nhật.
Giáo dục trực tuyến được áp dụng suốt thời gian nghỉ dịch, nhưng phương pháp này còn nhiều bất cập mang tính chất hệ thống: học sinh mất tập trung, hình ảnh giáo viên ngoài đời thực - bản thân nó đã là một “sự giáo dục”, nay phát qua mạng sẽ mất hết tác dụng với học sinh.
Điều này làm cho học sinh trở về trạng thái “học tự do” nên mất tập trung. Xưa nay trường học ở Việt Nam không chỉ là nơi dạy kiến thức mà còn là “sức ép vô hình” giúp người học đề cao tính kỷ luật, tiết chế phần “CON”.
Nói cách khác, dạy và học online chưa là thói quen trong nền giáo dục Việt Nam - nhưng đây đã là xu hướng của thế giới, làm sao bắt kịp?
Coi trọng giáo dục ý thức cộng đồng
Dịch bệnh còn cho thấy một điều, tất cả những quốc gia có nền khoa học tự nhiên phát triển đều không có cách gì ngăn chặn được. Trái lại, những nước đề cao tính cộng đồng, sử dụng các “biện pháp xã hội” đã phát huy công dụng, chống lây lan hiệu quả.
COVID-19 tiếp tục khẳng định chân lý “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cơ sở của phòng bệnh chính là yếu tố đoàn kết cộng đồng, kỷ luật, kỷ cương, trung thực, trách nhiệm xã hội, lòng yêu nước - cũng là nhiệm vụ chủ yếu của nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Thực tế, Việt Nam phần lớn dựa vào phương pháp “phòng bệnh xã hội” để ngăn chặn đại dịch. Có thể khẳng định rằng, vai trò các môn khoa học xã hội và nhân văn trong nhà trường là rất quan trọng.
Khi gói cứu trợ của Chính phủ chưa đến kịp, rất nhiều “mạnh thường quân” đủ mọi tầng lớp đã xuất hiện, từ gạo, mì tôm, mắm muối, đến chiếc khẩu trang, cơ sở lưu trú, máy móc thiết bị y tế, tiền tỷ...được phân bổ thông nhờ tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Dịch tễ học, lịch sử các đại dịch và các thức phòng chống nên trở thành một phần “cứng” trong sách giáo khoa. Đồng thời, nâng tầm văn học, lịch sử, triết học không bị lép vế với các môn tự nhiên như hiện nay.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp