“Gồng mình” duy trì hoạt động
Tỉnh Bình Thuận được mệnh danh là “thủ phủ” resort, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay, du khách bất ngờ giảm sâu khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp khó. Tại Hàm Tiến - Mũi Né, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch phải “gồng mình” duy trì hoạt động. “Khách giảm khoảng 70%-80% so với cùng kỳ năm 2019. Từ đầu tháng 3 tới nay, resort có 60 phòng nhưng chỉ 2 phòng có khách”, đại diện chủ resort Mũi Né Nhỏ ngán ngẩm.
Trên các tuyến đường trung tâm TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) như Trần Phú, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám… tập trung hàng trăm khách sạn lớn nhỏ. Từ đầu năm đến nay, dù giá giảm “chạm đáy” nhưng công suất phòng của nhiều khách sạn chỉ đạt từ 30%-45%, thậm chí một số nơi vẫn đóng cửa. Theo khảo sát, hiện tại ở Nha Trang, giá khách sạn 3-4 sao chỉ dao động từ 450.000-650.000 đồng/đêm, một số khách sạn không ở vị trí đắc địa giá phòng còn thấp hơn.
Không chỉ cơ sở lưu trú ế ẩm mà các sản phẩm du lịch đưa vào sử dụng nhằm thu hút du khách cũng không khả quan. UBND TP Huế xây dựng đề án Phố đêm Hoàng thành Huế với không gian phía ngoài Hoàng thành gồm các trục đường: 23 tháng 8, Lê Huân, Đặng Thái Thân và Đoàn Thị Điểm. Sau gần một năm kể từ ngày khai trương, Phố đêm Hoàng thành Huế rất ít khách và có nguy cơ “chết yểu”. Tương tự, khu du lịch An Thượng được xem là “phố Tây” của TP Đà Nẵng nhưng sau gần một năm mở cửa đón khách, các tuyến đường chỉ lác đác vài du khách. Nhiều nhà hàng phục vụ các món ăn Trung Quốc và Hàn Quốc mở cửa nhưng ế ẩm, ảm đạm.
Cần chính sách đột phá
Qua ghi nhận từ các doanh nghiệp du lịch, kinh doanh khách sạn tại TPHCM, hầu hết đơn vị hiện đang hoạt động cầm chừng, gặp khó khăn do vắng khách, thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực… “Ước tính, mỗi tháng cần khoảng 50 triệu đồng để cầm cự nhưng lượng khách đến quá ít, doanh thu chưa đến 30 triệu đồng nên đuối sức. Vay ngân hàng cũng không dễ vì phải có tài sản thế chấp, hoặc chứng minh kinh doanh có lãi”, chủ một doanh nghiệp kinh doanh du lịch tâm sự.
Tâm trạng này cũng là nỗi lòng chung của nhiều doanh nghiệp ngành du lịch tại TPHCM bởi nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ. Cụ thể là hầu như rất hiếm doanh nghiệp được tiếp cận gói vay ưu đãi hỗ trợ lãi suất. Trong khi đó, hiện tại lãi suất cho vay ở một số ngân hàng dao động từ 11%-15%/năm, chỉ doanh nghiệp nào thực sự cần tiền gấp mới “nghiến răng” vay, vì với mức lãi suất cao như thế sẽ làm “tổn hao” nội lực của doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp du lịch, lữ hành mà một số nhà nghỉ, khách sạn cũng đang gặp khó khăn do không đủ tài chính để duy trì hoạt động. Thời gian qua, khá nhiều khách sạn trên đường Đề Thám, Lý Tự Trọng… (quận 1, TPHCM) phải đóng cửa im lìm, dán bảng rao bán.
Theo ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, doanh nghiệp du lịch cần được “trợ lực” với các gói vay ưu đãi chuyên biệt để tồn tại, hồi phục. Đơn cử, hiện nhiều hãng hàng không yêu cầu tiền cọc giữ chỗ ở mức 20%-50% tổng số tiền vé nên một số đơn vị lữ hành đang gặp khó khăn về tài chính bị áp lực.
Theo một đại diện Hội Lưu trú tỉnh Thừa Thiên - Huế, các doanh nghiệp khó tiếp cận các chính sách gỡ khó do thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe. Khó nhất là điều kiện của gói vay ưu đãi, theo đó doanh nghiệp phải chứng minh làm ăn có lợi nhuận trong 3 năm vừa qua, dẫn đến các doanh nghiệp bị tê liệt hoạt động trong 2 năm dịch bệnh không thể đáp ứng được. Ngoài ra, việc kiểm tra báo cáo tài chính, năng lực, tài sản đảm bảo để thế chấp… cũng gây trở ngại cho doanh nghiệp muốn tiếp cận gói hỗ trợ.
* Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận: “Tháo” visa để đón khách chi tiêu sang
Chi tiêu của khách quốc tế, đặc biệt là khách châu Âu thường cao gấp 4-5 lần so với khách nội địa. Ngoài ra, do yếu tố địa lý, những khách từ châu Âu thường có nhu cầu qua Việt Nam dài ngày để kết hợp du lịch và trú đông. Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực hiện nay chỉ có thời hạn 15 ngày thì không đủ đối với họ. Vì thế, cần “tháo” visa để đón khách chi tiêu sang.
* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Giá thuê đất quá cao, mất lợi thế cạnh tranh
Tại tọa đàm Du lịch mùa Xuân 2023 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp nêu ý kiến về chính sách hỗ trợ cho ngành du lịch (được xem là “mũi nhọn” của địa phương) còn nhiều bất cập. Hiện nay, tiền thuê đất tại TP Đà Nẵng quá cao, nhất là khu vực ven biển. Từ đó dẫn tới giá cả sản phẩm, dịch vụ phải tăng lên tương ứng khiến ngành du lịch không còn sức cạnh tranh..
Nguồn SGGP