Là một trong những ngành nghề góp phần tạo nên một nên nông nghiệp bền vững, nghề cá Việt Nam đã trải qua một thời gian dài hình thành và phát triển. Hiện nghề cá Việt Nam đang phải từng bước đáp ứng các tiêu chí về chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, giúp cải tổ phần nào về thiết bị, kỹ thuật, cũng như tuân thủ quy định của khách hàng quốc tế. Để có thể tạo thêm niềm tin cho khách hàng quốc tế, nghề cá Việt Nam đã đưa ra quyết tâm thực hiện các hoạt động để phát triển bền vững hơn nữa.
Thêm chính sách quyết liệt
Để giúp nghề cá Việt Nam đi trên con đường vững chắc, uy tín, trách nhiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản (Quyết định 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2020) và Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thủy sản (Quyết định 1445/QĐ-TTg ngày 16/8/2013), đến năm 2020, ngành thủy sản đã đạt được nhiều thành tựu.
Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, giải quyết việc làm cho khoảng 800.000 lao động trực tiếp trên biển và gần 4 triệu lao động dịch vụ hậu cần đi kèm. Đời sống vật chất tinh thần của cộng đồng ngư dân được nâng cao góp phần quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, an ninh dinh dưỡng và phát triển kinh tế.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lập quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết trong điều kiện hiện nay nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia và quốc phòng an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Thông qua các chỉ tiêu, chỉ số được xác định đối với từng thời kỳ quy hoạch, từng khu vực, từng loại hình thủy sản góp phần phát triển nghề cá bền vững trong tương lai phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, sự phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Mục tiêu của dự thảo đến năm 2030 là bảo đảm hoạt động khai thác hiệu quả gắn với bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế, có cơ cấu, hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, tăng chất lượng, hiệu quả, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có nghề cá phát triển bền vững, hiện đại, tương đương với các nước có nghề cá phát triển trong khu vực và trên thế giới; đa dạng sinh học biển được bảo tồn và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao; góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Địa phương đồng lòng
Trước dự thảo này, 28 tỉnh địa phương có biển cũng đã quyết tâm thực hiện phát triển một nghề cá bền vững, thực hiện tốt Luật Thủy sản 2017, đưa nghề cá Việt Nam ra khỏi chế tài "thẻ vàng" của châu Âu, trở thành một quốc gia phát triển nghề cá uy tín trên thị trường thế giới.
Mới đây nhất, để tiếp tục chặng đường quyết tâm phát triển nghề cá bền vững, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Công văn số 413/UBND-VP về việc chấm dứt tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Theo đó, tất cả hệ thống chính trị, các lực lượng phải vào cuộc để chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm trong khai thác thủy sản.
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển tập trung triển khai quyết liệt hơn nữa, huy động cả hệ thống chính trị, các lực lượng thực hiện đồng bộ các giải pháp chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu, đặc biệt phải chấm dứt tình trạng tàu cá tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản. Đây là điều kiện hàng đầu để kiểm soát hoạt động của tàu cá trên biển, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, đáp ứng nhiệm vụ chống khai thác bất hợp pháp.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, một trong những địa phương có đội ngũ tàu thuyền khai thác lớn nhất nhì cả nước, cũng đã đồng lòng, có nhiều chính sách thực hiện, phát triển nghề cá bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng Dự án điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, để làm cơ sở cấp phép khai thác căn cứ vào nguồn lợi và đảm bảo rà soát, bổ sung tăng diện tích các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lên 6% vào năm 2030 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án khôi phục ngành khai thác thủy sản tỉnh, đẩy nhanh sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản, tăng cường cải thiện năng lực sản xuất trong chuỗi hoạt động khai thác.
Bằng những hoạt động thiết thực trong thực thi Luật Thủy sản 2017, cũng như sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị tại các địa phương có biển, nghề cá Việt Nam đang thể hiện quyết tâm lớn phát triển nghề cá bền vững lâu dài./.
Nguồn TTXVN