Hiện nay, mắc ca chỉ chiếm 1% (khoảng 62.000 tấn) trong tổng sản lượng 10 loại quả hạt khô cao cấp. Trong vòng 10 năm tới, dự báo tỷ lệ này có thể lên tới 5% đến 10% (tức là khoảng 620.000 tấn/năm). Đây sẽ là cơ hội lớn với ngành mắc ca Việt Nam…
Theo các chuyên gia nông nghiệp, gần 20 năm xuất hiện tại thị trường Việt Nam, thế nhưng chỉ mới đây (tháng 11/2018) cây mắc ca mới chính thức được công nhận thuộc danh mục 1 trong 20 loài cây lâm nghiệp chính tại Việt Nam và thuộc nhóm các loài cây lâm sản ngoài gỗ.
Từ đây, ngành mắc ca Việt Nam mới có cơ hội "trở mình" trước những nghi ngại mà dư luận đặt ra trước đó.
Các cấp, ban, ngành ủng hộ
Đến thời điểm hiện tại, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến cây mắc ca, tạo hành lang pháp lý trong việc sản xuất và kinh doanh. Trong đó, phải kể đến Thông tư số 30/2018/TT-Bộ NNPTNT ngày 16/11/2018 quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính.
"Vai trò của Thông tư số 30 là rất quan trọng, là tiền đề để ngành mắc ca Việt Nam đề ra các định hướng phát triển trong thời gian sắp tới", một lãnh đạo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam khẳng định.
Cũng theo vị này, hiện nay Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đã đề ra chương trình hành động với 6 vấn đề cơ bản để phát triển ngành hàng mắc ca Việt Nam. Trong đó, vấn đề xây dựng và phát triển ngành giống mắc ca chất lượng cao là rất quan trọng.
Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Hùng, thì chia sẻ: "Hiệu quả của cây mắc ca trồng ở vùng Tây Nguyên hiện tại đã được minh chứng. Đây chính là loài cây lâm nghiệp đa mục đích, ngoài việc chống xói mòn, tăng độ che phủ, cân bằng hệ sinh thái… loài cây này còn mang lại hiệu quả kinh tế khá triển vọng".
Đồng quan điểm, ông Ma Doãn Giang - Phó Giám đốc Công ty CP Liên Việt Lai Châu, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, mới một số địa hình vùng núi phía Bắc hoặc Bắc Trung Bộ, nếu trồng cây keo thì sau 6-7 năm cũng chỉ thu hoạch vài chục triệu/ha; nhưng nếu trồng mắc ca thì lợi nhuận có thể đạt tới 100 triệu/ha và mức thu này liên tục duy trì trong hàng chục năm sau vì tuổi đời cây mắc ca có thể lên tới 60-70 năm".
Tất nhiên, ông Giang cũng khuyến cáo, không phải bất cứ loại đất nào cũng thích hợp với mắc ca, thế nên bà con nông dân cần tham khảo ý kiến các chuyên gia nông nghiệp trước khi mua giống trồng đại trà.
Còn theo bà Đào Thị Lan Hoa - Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì cho biết: "Hiện nay, diện tích mắc ca trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk ước tính có trên 750ha, trong đó diện tích trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu chiếm khoảng 600ha, trồng thuần 150ha. Diện tích trồng tập trung chủ yếu tại huyện Krông Năng (trên 300ha), và TP.Buôn Ma Thuột. Tiềm năng phát triển của mắc ca tại Tây Nguyên đến năm 2030 được dự báo sẽ đạt 2.200 ha trồng thuần và 24.250 ha trồng xen".
Cơ hội rộng mở
Theo báo cáo từ Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, thế giới hiện có khoảng 78 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Năm 2019 dự báo tiêu thụ tới 62.000 tấn nhân mắc ca (khoảng 234.000 tấn hạt). Thị trường mắc ca cũng đang mở rộng nhanh chóng.
Ngoài các thị trường tiêu thụ mắc ca truyền thống là các nước phát triển gồm Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản, Đài Loan… Sắp tới, sẽ có thêm nhiều thị trường tiêu thụ mắc ca như Hàn Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
"Hiện tại, tốc độ tăng trưởng thị trường mắc ca thế giới hiện khoảng 12%/năm. Trong vòng 10 năm tới, dự báo tỷ lệ sử dụng hạt mắc ca có thể lên tới 5 - 10% (tức là khoảng 620.000 tấn/năm). Riêng tại Trung Quốc, mức tiêu thụ mắc ca ước tăng tới 50%/năm. Đây sẽ là cơ hội lớn với ngành mắc ca Việt Nam nếu khai thác tốt thị trường tỷ dân này"- đại diện Hiệp hội Mắc ca Việt Nam thông tin.
Trong khi đó, theo báo cáo nghiên cứu thị trường từ Công ty Bonjour Đà Lạt, tổng sản lượng hạt mắc ca nhập khẩu vào Việt Nam năm 2019 tính đến ngày 21/12 là khoảng 29.000 tấn hạt, trong đó có 26.000 tấn là tạm nhập tái xuất chủ yếu thông qua cảng Cát Lái và Hải Phòng.
Lưu lượng dịch chuyển với nhiều hình thức khác nhau tại Việt Nam là khoảng 3.000 tấn, trong đó có 2.200 tấn được gia công tại các nhà máy lớn và tiếp tục "tạm nhập tái xuất" đến các nước khác.
"Tổng sản lượng mắc ca có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam đạt khoảng 600-650 tấn, nhưng khoảng 10-15% được thu mua làm hạt giống. Điều này cho thấy nhu cầu tiêu thụ trên thế giới là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của Việt Nam còn rất ít"- đại diện Công ty Bonjour Đà Lạt, cho hay.
Tuy nhiên, dù nhiều tiềm năng nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, các DN Việt Nam cần tham gia chế biến sâu để nâng cao giá trị mặt hàng mắc ca hơn nữa.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương - Giám đốc Công ty CP Damaca Nguyên Phương, cho hay: "Để nâng cao giá trị hạt mắc ca, chúng tôi đã đầu tư dây chuyền sản xuất với quy mô khoảng 300 tấn/năm, nhưng năm 2019 này mới chỉ thu mua được khoảng 60 tấn tươi vì nguồn cung từ thị trường còn rất ít. Thêm vào đó, việc mắc ca đang có giá nên có tình trạng bị mất trộm và bà con hái non để bán dẫn đến chất lượng sản phẩm sau khi sản xuất còn tỷ lệ khá lớn chưa đạt".
Theo Danviet.vn