“Nhiều trường vẫn lúng túng khi có HS mắc COVID-19, nếu không có phương án chuẩn bị chu đáo, để xảy ra tình trạng mỗi trường xử lý một kiểu sẽ chưa bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm dịch ở trường học, gây rủi ro cho sức khỏe HS và thầy cô giáo, dẫn đến phụ huynh không yên tâm, tin tưởng để cho con em đến trường”. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nhận định như trên trong báo cáo gửi Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30 của Quốc hội về một số vấn đề nổi lên liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 thuộc lĩnh vực phụ trách.
Mấy ngày qua, báo chí cũng tập trung phản ánh sự lúng túng của nhiều trường, địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh sau khi đưa HS quay trở lại trường học tập trực tiếp. Sự lúng túng thể hiện rõ qua việc xử lý khi có HS là F0, F1. Có nơi chỉ 1 HS F0 mà cả trường dừng dạy học. Có nơi chỉ có 1 HS cũng dạy. Có nơi HS học trực tiếp, nhưng GV lại dạy gián tiếp vì là F1, F0. Quy trình xử lý F0, F1 ở trường học cũng rắc rối, nhiêu khê: Có nơi yêu cầu 100% HS phải xét nghiệm COVID-19 trước khi đến trường học trực tiếp. Các trường cũng không rõ HS là F0, F1 khi nào thì có thể an toàn trở lại trường học? Trong khi đó, trước thực trạng số ca mắc là GV và HS trong trường học liên tục tăng, nhiều địa phương đã tạm dừng việc cho HS đến trường, chuyển từ dạy học trực tiếp sang hình thức trực tuyến.
Dầu vậy, không thể phủ nhận là nhiều địa phương chuẩn bị khá tốt các điều kiện bảo đảm an toàn khi HS đi học trở lại. Nhiều phụ huynh đánh giá cao nỗ lực của ngành giáo dục BR-VT từ việc xây dựng kế hoạch xử lý tình huống khi có cán bộ, GV, nhân viên, HS là F0 đến việc phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để theo dõi dịch tễ HS các cấp từ nhà đến cổng trường, qua đó, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm để có phương án xử lý kịp thời. Ngoài việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh còn có những phương án riêng, tạo lá chắn phòng dịch hiệu quả, giúp HS yên tâm mỗi ngày đến trường.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, ngoại trừ huyện Côn Đảo cho HS mầm non, HS phổ thông dừng đến trường từ 22/2 do số ca COVID-19 tăng nhanh, sau 2 tuần HS đi học trở lại, số ca nhiễm phát hiện mới ở trường học trên địa bàn tỉnh khá thấp. Vì vậy, “ngành giáo dục đề nghị tiếp tục để HS các cấp tham gia học trực tiếp tại trường trong thời gian tới”, bà Trần Thị Ngọc Châu đề xuất tại cuộc họp giao ban công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh chiều 21/2.
Trường học mở cửa trở lại, đối diện với nguy cơ xuất hiện F0, F1… trong nhà trường là điều có thể lường trước. Thế nhưng, phải thẳng thắn thừa nhận, sau 2 tuần “mở cửa” trường học, Bộ Y tế mới có hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức dạy, học trực tiếp với 4 bước; Không bắt buộc tất cả các HS phải xét nghiệm COVID-19 trước khi trở lại trường học trực tiếp; Hướng dẫn về việc tổ chức học bán trú của HS… Ngày 24/2, Bộ GD-ĐT mới công bố “Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học” hướng dẫn cụ thể về công tác chuẩn bị của nhà trường; ứng phó của nhà trường khi có trường hợp bệnh nghi ngờ trong trường học; xử trí khi có trường hợp HS mắc COVID-19; việc tổ chức ăn bán trú của HS… Nếu những “cẩm nang” ấy được ban hành sớm thì công tác kiểm soát dịch trong trường học đã không bị lúng túng, mỗi nơi một kiểu như thời gian qua.
Mở cửa trường học là xu hướng tất yếu trong giai đoạn bình thường mới. Tuy nhiên, hành trình trở lại trường của thầy và trò vẫn đang rất gập ghềnh. Bài toán làm gì để bảo đảm an toàn cho GV và HS mà không phải đóng cửa trường học do số ca F0 tăng một lần nữa lại được đặt ra. Lời giải chắc sẽ không quá khó nếu như các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong nhà trường được xây dựng chi tiết, mang tính dài hơi, trên tinh thần chủ động, không mất cảnh giác, không cực đoan; thống nhất chỉ đạo và thực hiện trên cả nước, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương.
Nguyễn Hưng Nhơn