Trả lời: Truyền thông chính sách là hệ thống các nỗ lực chủ động chủ trì và tương tác hai chiều của Nhà nước được thiết kế có chủ đích nhằm tiếp nhận và chia sẻ thông tin về chính sách cũng như quá trình chính sách (cách thức hoạch định, thực thi, đánh giá) đến đối tượng chính sách nhằm thúc đẩy hiểu biết, phản biện, đồng thuận, sự tin cậy qua lại giữa nhà nước nói chung và các chủ thể chính sách nói riêng vì lợi ích công cộng.
Nội hàm truyền thông chính sách gồm: (1) Giao tiếp: xây dựng và chia sẻ thông điệp dạng ngôn từ (dạng nói và dạng văn bản) và hình ảnh; (2) Hành động: tổ chức thực hiện, làm gương, làm mẫu để đưa các chính sách, các giải pháp chính sách thành hành động thực tiễn (ví dụ tổ chức xây dựng hệ thống vị trí việc làm kèm theo các bản mô tả công việc để thực hiện chính sách cải cách chế độ quản lý công vụ, từng bước kết hợp giữa chế độ chức nghiệp với chế độ vị trí việc làm).
Có 3 cấp độ truyền thông chính sách, bao gồm: cung cấp thông tin website, hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt; hợp tác với các cơ quan truyền thông, thông tấn báo chí để truyền tải thông điệp; có chiến lược truyền thông bài bản, toàn diện (phát huy nhiều kênh, nhiều hình thức như họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí, công báo, từ “lời nói đến việc làm” …).
Chủ thể truyền thông chính sách bao gồm: (1) Các chủ thể chính sách như cơ quan nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (một số cơ quan nhà nước hình thành các đơn vị chuyên trách, như: Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế, Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước); (2) Báo chí, các cơ quan thông tấn; (3) Mạng xã hội và các nhân vật nổi tiếng (ví dụ dùng hình ảnh và tiếng nói của người nổi tiếng để truyền thông về chính sách cắt giảm đồ dùng bằng nhựa,…).
Thời điểm truyền thông chính sách: truyền thông cần được thực hiện trong tất cả các khâu của quá trình chính sách từ nhận diện vấn đề, hoạch định chính sách (chẩn đoán được nguyên nhân bản chất sâu xa; thiết kế giải pháp, thử các giải pháp – thí điểm và đánh giá, phân biệt được hệ quả khi áp dụng chính sách và hệ lụy (tiêu cực) nếu không có phản ứng chính sách đó, điều chỉnh và hoàn thiện chính sách) đến tổ chức thực thi và đánh giá chính sách.
Mục tiêu của truyền thông chính sách: (1) Phát huy quyền, vai trò và trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách… Lắng nghe ý kiến là một nhiệm vụ bắt buộc trong xây dựng chính sách, pháp luật. Thu thập thông tin từ đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách hiểu biết tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng, các xu hướng phản ứng của đối tượng chính sách, nhất là trường hợp có quyền lợi vật chất bị ảnh hưởng. (2) Định hướng dư luận: truyền thông chính sách cung cấp cơ hội để chuyển quá trình chính sách từ độc quyền sang thành một quá trình Nhà nước đồng hành cùng xã hội (đồng thiết kế chính sách). (3) Tự rà soát và đổi mới: cung cấp thông tin để các chủ thể chính sách rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội; nhờ đó, hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ, giám sát thực hiện, phát hiện vấn đề, bất cập, lợi dụng thẩm quyền…(4) Đưa Nhà nước, Chính phủ hay chính quyền nói chung đến gần công chúng hơn, tạo dựng và duy trì sự tin cậy của xã hội đối với Nhà nước nói chung hay các chủ thể chính sách nói riêng./.
QM