Giúp kìm giữ giá thành
Nhờ vậy, theo bà Quang, công ty đã tự tin nhận đơn hàng xuất khẩu (XK) đồ gỗ nội thất kéo dài cho đến tháng 2/2023. Đây là lợi thế mà không phải doanh nghiệp (DN) nào trong ngành đồ gỗ nội thất cũng có thể làm được.
Tình hình biến động địa chính trị trên thế giới, chuỗi cung ứng bị đứt gãy làm cho công ty gặp khó khi nhập linh phụ kiện phục vụ cho khâu hoàn thiện sản phẩm tổng thể. Mặc dù vậy, nhờ tự chủ được nguyên liệu trong nước nên giúp cho công ty bớt lúng túng được một phần khá lớn”, bà Quang nói.
Còn theo bà Trần Thị Xuân Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH dược liệu Tân Hoa Thảo (chuyên sản xuất các sản phẩm từ cây quế rừng ở tỉnh Quảng Ngãi), mỗi tháng công ty tiêu thụ khoảng 20 tấn nguyên liệu. Nhờ ổn định được vùng nguyên liệu ngay tại địa phương nên mặc dù có biến động giá cả vật tư đầu vào cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá thành sản phẩm.
Bà Quỳnh cho biết vùng trồng nguyên liệu có được thông qua sự hợp tác giữa công ty với đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi và đã nhận được chỉ dẫn địa lý. Đại diện một số cơ quan chuyên ngành có đến kiểm tra vùng trồng. Đây là tiền đề để công ty tiến tới XK.
Vị giám đốc này cho rằng tình hình giá xăng tăng kéo dài dẫn đến giá cả leo thang đã làm cho chi phí vận chuyển, sản xuất kinh doanh của công ty tăng lên khoảng 20%. Nếu không tự chủ được vùng nguyên liệu thì chi phí có thể sẽ còn tăng lên nhiều hơn. Vì vậy, việc tự chủ nguồn nguyên liệu giúp công ty hạn chế được việc tăng giá sản phẩm để đầu ra được tốt hơn.
Hoặc như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Vinahe (chuyên sản xuất, chế biến hạt điều), thời gian qua, công ty đã làm tốt việc thu mua hạt điều nguyên liệu từ các trang trại, hợp tác xã (HTX) trong tỉnh Bình Phước. Công ty cũng vinh dự là một trong 9 đơn vị có chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước.
Nhờ vậy, trong khi nhiều DN chế biến hạt điều lao đao vì nguyên liệu đầu vào thiếu hụt nên phải cạnh tranh với giá cao, thì Công ty Vinahe nỗ lực ổn định được nguồn nguyên liệu hạt điều thô ngay tại địa phương. Nhờ đó đã giúp hạn chế được việc tăng giá thành sản phẩm trong bối cảnh giá cả leo thang như hiện nay.
“Để kìm giữ giá thành sản phẩm hạt điều chế biến là cả một thách thức không nhỏ. Bởi vì không chỉ liên quan đến giá xăng dầu đang gia tăng kéo dài mà còn ở giá nguyên liệu đầu vào. Nếu chúng tôi không tự chủ được vùng nguyên liệu ở địa phương thì sẽ khó kìm được giá thành”, ông Đạt nói.
Không tự chủ sẽ khó tránh thua thiệt
Từ một số chia sẻ nêu trên, có thể thấy việc tự chủ được vùng nguyên liệu nông sản đã phần nào giúp một số DN đỡ lao đao khi giá cả nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, thậm chí giúp tăng lợi thế cạnh tranh trong hoạt động XK.
Điều quan trọng là phải có sự chủ động hợp tác giữa DN với HTX và nông hộ trong việc ổn định vùng nguyên liệu nhằm tránh chuyện thiếu hụt. Bởi lẽ, như với ngành XK đồ gỗ và nội thất, theo dự báo trong tương lai, các DN trong ngành sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu.
Bên cạnh giá cước vận chuyển tăng, đứt gãy nguồn cung, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng tạo ra sự khan hiếm nguồn cung gỗ tại một số quốc gia cung cấp gỗ chính cho Việt Nam, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng cao.
Chính vì vậy, việc đảm bảo được nguồn nguyên liệu gỗ trong nước như chia sẻ của vị giám đốc VIETS.Co là điều đáng mừng, nhất là hiện nay có nhiều nhà cung ứng đang chào gỗ cho các DN Việt Nam với mức giá cao hơn rất nhiều so với trước đó.
Đơn cử như một công ty chuyên làm đồ ngoài trời tại Tp.Quy Nhơn (Bình Định) cho biết hiện đang có DN chào gỗ nhập khẩu với mức giá 215 USD/m3 bạch đàn xẻ, trong khi mức giá cao nhất trước đó mà công ty mua chỉ là 172-175 USD/m3.
Hoặc một DN khác tại đây cho biết có những lô gỗ bạch đàn nhập về cảng đã có giá lên tới 300 USD/m3, mức cao nhất trong lịch sử. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu cao trong khi giá sản phẩm đầu ra không đổi khiến cho lợi nhuận của DN giảm mạnh. Một DN tại Bình Dương chia sẻ lợi nhuận của công ty giảm từ 7-8% xuống còn 3-4%, một số dòng hàng hòa vốn.
Rõ ràng đó là những thua thiệt khó tránh khi thiếu tự chủ vùng nguyên liệu. Cho nên, việc tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước có chất lượng cao sử dụng cho chế biến là cực kỳ quan trọng. Điều này đòi hỏi việc liên kết giữa các DN với các hộ trồng rừng trong nước càng phải mạnh mẽ hơn.
Hay như tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong ngành XK hạt điều. Giám đốc một DN chế biến điều ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) cho biết, nguyên liệu đầu vào thiếu hụt nên phải cạnh tranh mua với giá cao. Trong khi đó, đầu ra đã ký hợp đồng với đối tác thì không thể tăng giá.
Do không tự chủ được vùng nguyên liệu, nên vị giám đốc này phân trần là công ty mua nguyên liệu đến đâu sẽ chế biến đến đó. Còn nếu không mua được nguyên liệu thì khả năng hoạt động sản xuất năm nay sẽ bị gián đoạn.
Từ đó để thấy, với những DN đang tự chủ được vùng nguyên liệu nông sản giúp cho việc sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn, hạn chế tác động đến việc tăng giá thành sản phẩm… là rất đáng để các DN khác cùng suy ngẫm, học hỏi./.