Tự do ngôn luận
Tự do ngôn luận (freedom of speech) hay còn gọi là tự do biểu đạt (freedom of expression) là nguyên tắc đảm bảo cho một cá nhân hay một cộng đồng quyền tự do nói ra rõ ràng quan điểm và ý kiến của mình mà không sợ bị trả thù, kiểm duyệt, hay trừng phạt pháp lý. Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản nhất của con người đã được công nhận trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền (UDHR).
UDHR nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không có giới hạn về biên giới”.
Nhiều quốc gia đã ghi nhận quyền tự do ngôn luận trong các văn bản pháp lý quan trọng. Ở Việt Nam, quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Hiến pháp là văn bản pháp lý có giá trị cao nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể Hiến pháp năm 2013 quy định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Giới hạn của tự do ngôn luận
Quyền tự do ngôn luận có liên quan chặt chẽ với các quyền khác. Quyền tự do ngôn luận có thể bị hạn chế khi xung đột với các quyền khác. Theo nguyên tắc chung, quyền tự do ngôn luận không được xâm phạm lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân khác.
Điều 19 trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR- International Covenant on Civil and Political Rights), sau đó được Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (Office of the United Nations High Commissioner for Human Rights) cải thiện bằng việc chỉ ra rằng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận mang theo "nhiệm vụ và trách nhiệm đặc biệt" và "theo đó phải tuân theo các hạn chế nhất định" khi cần thiết "để tôn trọng quyền hoặc danh dự của những người khác" hoặc "để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, hoặc sức khỏe hay đạo đức cộng đồng"
ICCPR đã nêu ra ba yêu cầu mà có thể được sử dụng để xác định xem một nhà nước có đi quá giới hạn trong việc hạn chế tự do ngôn luận hay không: Thứ nhất, “bất kì sự hạn chế nào đều phải được luật hóa đầy đủ và chính xác để cho phép một cá nhân có thể tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp khi thực hiện quyền tự do ngôn luận”. Thứ hai, “mọi hạn chế phải được quy định dựa trên những căn cứ pháp lý được ghi nhận tại Khoản 3 Điều 19 ICCPR, cụ thể là để: tôn trọng quyền và danh dự của người khác; hoặc bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội”. Thứ ba, “bất kỳ hạn chế nào cũng phải chứng minh được tính cấp thiết và sự phù hợp, hoặc chứng minh được mục đích của sự hạn chế là nhằm đạt được những mục tiêu nêu trên.”
Liên Hợp Quốc cũng lưu ý trong Hiến chương của mình rằng: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu giới hạn do luật pháp đặt ra, nhằm đảm bảo những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Do đó, quyền tự do ngôn luận không được nhìn nhận là quyền tuyệt đối. Những hạn chế chung về tự do ngôn luận liên quan đến những hành động: phỉ báng, vu khống, sự tục tĩu, khiêu dâm, xúi giục, kích động, ngôn từ gây hấn, thông tin bí mật, vi phạm bản quyền, bí mật thương mại, quyền riêng tư, an ninh công cộng, ....
Thực tế cho thấy mặc dù công nhận các quyền tự do trong đó có quyền tự do ngôn luận nhưng không một quốc gia nào xem đó là quyền tự do tuyệt đối. Một thực tế mà giới cầm quyền của mọi quốc gia đều nhận thấy là nếu các quyền tự do trong đó có tự do ngôn luận là tự do tuyệt đối, tự do vô chính phủ thì xã hội sẽ bị rối loạn, không kiểm soát.
Điển hình như ngay tại nước Mỹ, Bộ luật Hình sự Mỹ chỉ rõ “Nghiêm cấm in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán, phân phối hoặc trưng bày công khai bất kỳ tài liệu viết hoặc in nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào tại Mỹ bằng vũ lực và bạo lực”.
Nước Đức là một trong những quốc gia đề cao tự do ngôn luận và nhân quyền cũng đã có những sửa đổi đối với Luật An ninh mạng từ năm 2015 và thông qua luật mới về quản lý mạng xã hội từ năm 2018, theo đó những dịch vụ mạng xã hội ở nước Đức có thể bị phạt lên đến 50 triệu EU nếu để xảy ra trường hợp người dùng lăng mạ, gây thù oán, hay phát tán các tin tức giả mạo. Hiến pháp của Đức nêu rõ “Ai lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do tuyên truyền làm công cụ chống lại trật tự của xã hội, tự do dân chủ sẽ bị tước bỏ quyền công dân”.
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền năm 1789 của Pháp cũng biểu đạt: “Tự do trao đổi suy nghĩ, và ý kiến là một trong nững quyền quý giá nhất của con người. Vì thế bất cứ công dân nào cũng có thể nói, viết và công bố tự do, tuy nhiên họ sẽ chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do này theo quy định của pháp luật”.
Tại Úc, quyền tự do ngôn luận bị giới hạn bởi các quy định về bảo mật thông tin cá nhân, bảo vệ danh dự cá nhân, bảo vệ anh ninh quốc gia được quy định rải rác trong các bộ luật. Bộ Tư pháp Úc có cả một trang mạng hướng dẫn về quyền biểu đạt và giới hạn của nó.
Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận bị giới hạn bởi các quy định về bí mật Nhà nước, bí mật đời tư, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, chống lại Nhà nước,…được quy định tại Bộ Luật dân sự, Bộ Luật hình sự, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước,…
Từ thực tế trên cho thấy các nước trên thế giới tuy tiếp cận khác nhau về tự do ngôn luận nhưng có một nguyên tắc cơ bản là việc thực thi quyền tự do ngôn luận phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước, không ai được lạm dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác. Hầu hết hệ thống luật pháp của các nước đặt ra giới hạn với quyền tự do ngôn luận, đặc biệt khi quyền tự do ngôn luận xung đột với các quyền và sự bảo vệ khác, chẳng hạn như trong các trường hợp bảo vệ an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, tôn giáo, dân tộc, bí mật cá nhân, danh dự cá nhân.
Tuy quy định và thực tế đã rõ ràng từ rất lâu, phổ biến ở hầu hết quốc gia về giới hạn của tự do ngôn luận, nhưng thực tế đang nảy sinh suy nghĩ nhận thức ở một số người cho rằng: tự do ngôn luận là được tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, phát tán thông tin mà không chịu bất cứ trách nhiệm hay ngăn cản nào, thậm chí đó là những phát ngôn xuyên tạc sự thật, thông tin sai lệch, bình luận thiên lệch, phiến diện tùy tiện,... nếu ai hạn chế quyền nói năng, bình luận, phát tán thông tin của người khác là vi phạm quyền tự do ngôn luận của công dân./.
Thúy Hằng