Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề dân chủ nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí để chống phá Đảng, Nhà nước luôn là vấn đề thường trực đối với mỗi nhà báo. Việc đấu tranh ấy phải dựa trên nền tảng, hệ thống pháp luật của đất nước, những cam kết quốc tế, điều ước, công ước, thông lệ quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia và đặc biệt là thực tiễn phong phú, lý luận sắc bén và thuyết phục của chính nhà báo. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, nâng cao nhận thức của người dân, tạo đồng thuận xã hội.
Tự do ngôn luận, tự do báo chí
Hiến pháp năm 2013, Điều 25 xác nhận: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và các văn bản pháp luật khác đã cụ thể hóa quy định của Hiến pháp tạo điều kiện cho báo chí phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính đến ngày 31.12.2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo; 612 tạp chí; 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập với đội ngũ hùng hậu 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, hơn 21.000 người được cấp thẻ nhà báo. Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam với khoảng 70% dân số sử dụng internet. Người dân sử dụng công nghệ mới phổ biến trong đời sống sinh hoạt nhằm thu nhận thông tin, tương tác, giao lưu, chia sẻ ý kiến, bình luận các vấn đề trong đời sống xã hội… Đây là bước tiến lớn, là thành tựu trong lĩnh vực thông tin, góp phần đảm bảo thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí mà không một thế lực thù địch nào có thể phủ nhận.
Trong đời sống xã hội sôi động và công cuộc đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả vì Nhân dân và cuộc đấu tranh quyết liệt phòng chống tham nhũng, tiêu cực, báo chí Việt Nam luôn phát huy vai trò tiên phong, dân chủ, khách quan. Báo chí cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy đến người dân, các cơ quan trong bộ máy Nhà nước từ trung ương tới địa phương, tạo sự đồng thuận xã hội, đồng lòng của Nhân dân; xử lý nghiêm khắc với những sai phạm, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; phát huy sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, dám nghĩ dám làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; tất cả vì hạnh phúc Nhân dân, sự vững mạnh của chính quyền, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Tự do luôn đi đôi với pháp luật. Báo chí của bất kỳ quốc gia nào hoạt động đều phải tuân thủ luật pháp của quốc gia đó. Nếu báo chí sai phạm sẽ bị xử lý theo luật pháp của họ. Không hiếm những trường hợp báo chí vi phạm pháp luật bị mang ra Nghị viện điều trần. Tự do báo chí là tự do trong khuôn khổ của pháp luật và được làm những việc pháp luật không cấm. Có quốc gia, báo chí cổ súy, bênh vực cho quyền cá nhân sở hữu vũ khí mặc cho việc xả súng đau thương ở trường học hay nơi công cộng xảy ra triền miên. Ở quốc gia khác cấm tuyệt đối sở hữu vũ khí cá nhân và báo chí cũng sẽ đấu tranh, lên án sở hữu vũ khí theo pháp luật của nước họ. Điều này cho thấy tự do báo chí luôn tuân thủ pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật.
Tại nước ta, việc lợi dụng tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm pháp luật như vụ việc Phạm Thị Đoan Trang, Lê Trọng Hùng, Phạm Chí Dũng… đều bị bắt giữ, đưa ra pháp luật xét xử công khai, đúng người, đúng tội. Những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước của các đối tượng mượn danh nhà báo rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật, gây bất ổn định xã hội, đi ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của Nhân dân, của dân tộc sẽ bị lên án và lãnh hậu quả pháp lý. Tự do ngôn luận, tự do báo chí ở Việt Nam luôn được pháp luật bảo đảm.
Trách nhiệm xã hội của nhà báo- khơi gợi sức mạnh “mềm”
Người cầm bút luôn mang trên vai mình trách nhiệm xã hội. Những tác phẩm báo chí dù chỉ là dòng tin, tấm ảnh hay loạt bài phóng sự điều tra mang đến niềm tin cho người dân, các cơ quan nhà nước, những thông điệp mới mẻ, khách quan, phong phú. Nguồn thông tin đó là năng lượng cho cơ quan Nhà nước chắt lọc, tiếp thu trong hoạt động quản lý; là món ăn tinh thần bổ ích, sinh động và trách nhiệm. Bản lĩnh nhà báo thể hiện rõ trong những bài viết phanh phui vụ án hay thông tin sự việc tiêu cực. Hoạt động của nhà báo luôn vì trách nhiệm xã hội, lợi ích quốc gia, dân tộc để dấn thân; công phu trong điều tra, thu thập thông tin khách quan và nhanh nhay nhất. Những thông tin đến ban đọc phải điềm tĩnh, minh bạch, tạo lập sự đồng cảm, chia sẻ, lan tỏa trách nhiệm xây dựng và đấu tranh phê phán những thói hư, tật xấu, những vi phạm sai trái đến cùng. Không làm nóng sự kiện, hút view bằng giật gân, câu khách, mập mờ tạo ra những luồng suy nghĩ, tư tưởng mơ hồ, nghi kị, phỏng đoán. Đây cũng chính là cách báo chí đấu tranh với thông tin của thế lực thù địch luôn tìm cách khai thác ngay ở báo chí ta để chống phá Đảng, Nhà nước, khối đoàn kết toàn dân; ảnh hưởng đến cuộc sống lao động bình an, hạnh phúc của Nhân dân.
Có thể thấy, ngay trong mỗi kỳ họp Quốc hội, thảo luận các vấn đề kinh tế, xã hội… thực sự dân chủ, công khai, thẳng thắn, ý kiến nhiều chiều, mang tính xây dựng cao. Hay trong chất vấn, trả lời chất vấn, Đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn rất thẳng thắn đề cập đến khiếm khuyết hoặc thậm chí là sai phạm trong lĩnh vực mình quản lý. Nếu báo chí chỉ tập trung khai thác những khiếm khuyết để giật tít câu view, bỏ lửng vấn đề và các nhà báo “lười” sáng tạo, chỉ tập trung bắt “trend”, xào xáo lại... thì thông tin đến bạn đọc là một bức tranh cắt khúc, ảm đảm, tiêu cực, không lối thoát. Điều này tác động dữ dội đến tâm lý, tình cảm, nhận thức của người nghe, người đọc, người xem, đến dư luận xã hội… Và như vậy, vô hình trung làm nguồn tin cho thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, tạo sóng ngầm; kéo theo đó là những suy đoán vô căn cứ về cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm. Rõ ràng mỗi nhà báo khi đề cập đến vấn đề hoạt động của bộ máy Nhà nước; đặc biệt hoạt động nghị trường ở Quốc hội công khai, thì việc đánh giá những thành tựu, mổ sẻ khiếm khuyết và tìm giải pháp là vấn đề “nóng” minh bạch của bộ máy. Nhà báo tác nghiệp phải có sự đầu tư, hiểu rõ vấn đề, làm chủ ngòi bút trong từng câu chữ để thông điệp hoạt động của Quốc hội đến cử tri dù là vấn đề tích cực hay tiêu cực phải rõ ràng, đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm, giải pháp. Báo chí theo đến cùng sự việc là ở đó. Thông tin khách quan, xây dựng sẽ không gây hoang mang, nghi ngờ mà là mong chờ, tin tưởng, chia sẻ của độc giả.
Thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên nền tảng phát triển công nghệ mới là một khung trời rộng mở. Nhà báo không thể ngủ quên, theo lối mòn cũ, vo tròn trách nhiệm, đứng ngoài cuộc khi có thông tin xuyên tạc của thế lực thù địch.
Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc của thế lực thù địch, cơ hội rất cần sự tỉnh táo và báo chí cách mạng Việt Nam cần lưu tâm, kịp thời phản ứng thuyết phục trước thông tin sai lệch, giúp định hướng đúng cho dư luận xã hội. Đây phải được xem là một nhiệm vụ thường trực của báo chí trên mặt trận thông tin. Báo chí “ tẩy rửa” và làm trong sạch nguồn tin bị bóp méo, xuyên tạc; mang lại tính khách quan, chính xác của thông tin. Thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên nền tảng phát triển công nghệ mới là một khung trời rộng mở. Đặc biệt, internet làm thay đổi phương thức thông tin truyền thống khi không bị giới hạn không gian, thời gian, chủ thể thông tin, loại hình thông tin. Đây là cuộc cách mạng không chỉ ở hạ tầng cơ sở kỹ thuật làm báo mà quan trọng ở nền tảng tư tưởng, nhận thức về vai trò mới, nhiệm vụ mới của báo chí. Nhà báo không thể ngủ quên, theo lối mòn cũ, vo tròn trách nhiệm theo kiểu “ai nói người đấy nghe”, không liên quan, đứng xa, đứng ngoài cuộc khi có thông tin xuyên tạc của thế lực thù địch.
Những thông tin trên mạng xã hội bình luận, lệch lạc, thiếu cơ sở về bộ máy tổ chức chính quyền, về cá nhân người lãnh đạo đơn vị hay về phát biểu của Đại biểu Quốc hội đánh vào niềm tin của cử tri, vào hiệu quả, hiệu lực và những đổi mới không ngừng trong tổ chức của bộ máy nhà nước, của Quốc hội. Trước những thông tin như vậy báo chí cần lên tiếng kịp thời, thông tin đầy đủ hơn về hoạt động của tổ chức, cá nhân. Những ý kiến tranh luận nhiều chiều không thể là mảnh đất màu mỡ cho thế lực thù địch lợi dụng mà là nếp sinh hoạt dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm trước cử tri và là cơ sơ để Quốc hội xem xét, cân nhắc đưa ra các quyết định cuối cùng hay chỉnh sửa luật, nghị quyết cho phù hợp. Không chạy theo bị động đấu tranh thông tin sai trái, xấu độc mà cần chủ động, nhận diện rõ những thông tin xuyên tạc làm suy giảm uy tín cá nhân cũng như hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật. Đây là nhiệm vụ lớn đang đặt ra cho đội ngũ báo chí, phóng viên nghị trường -những người giỏi nghề, sâu nghiệp và luôn mang khát vọng phục vụ đất nước, phục vụ Nhân dân trong từng tác phẩm báo chí của mình.
Kỳ vọng, tin tưởng vào sự lớn mạnh của nền báo chí cách mạng khơi gợi sức mạnh “mềm” đẩy lùi và đấu tranh có hiệu quả với thông tin xuyên tạc của thế lực thù địch, mang lại niềm tin vững chắc cho nhân dân./.
Lệ Thủy