Hơn nữa, đây cũng là lần đầu tiên có một chiến lược mà nông nghiệp gắn liền với nông thôn, bởi nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực. “Xưa giờ nông nghiệp đi đường nông nghiệp, nông thôn đi đường nông thôn. Thế nhưng, bây giờ hai cái này nó có quan hệ hữu cơ, nó gắn trong một chiến lược chung mang tính chất tổng thể”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với chiến lược đó, theo ông Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp sẽ dần “thoát ly” tư duy mùa vụ, tư duy thương vụ, tư duy từng năm. Chiến lược nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ giải quyết những vấn đề nội tại của ngành nông nghiệp. Đồng thời, sẽ tiếp cận xu thế của một nền nông nghiệp mới, đó là nông nghiệp xanh, bền vững, có trách nhiệm.
Ông Lê Minh Hoan cũng cho rằng, xu thế tiêu dùng nông sản của thế giới bây giờ không chỉ ngon, sạch, đẹp mà phải được sản xuất bằng quy trình không tác động đến môi trường, tức việc sản xuất ra con tôm, con cá, trái cây, hạt gạo phải bằng quy trình không đánh đổi về môi trường.
Từ các vấn đề của khu vực ĐBSCL hiện nay, như dòng người rời quê hương lũ lượt trở lại các đô thị tìm kiếm mưu sinh. “Bên cạnh chúng ta giải quyết tăng trưởng GDP, kêu gọi thu hút đầu tư doanh nghiệp lớn, thì những hợp tác xã, người khởi nghiệp, sản phẩm OCOP ở nông thôn… chúng ta phải có trách nhiệm”- ông Hoan gợi mở lãnh đạo Sở Nông nghiệp- PTNT 13 địa phương ĐBSCL cần phải làm điều gì đó cho thế hệ tương lai của đồng bằng.
Theo Bộ trưởng, những bất cập, điểm nghẽn, vướng mắc mà các Sở Nông nghiệp- PTNT nêu lên, cần phải kịp thời tháo gỡ vì bà con nông dân không thể ngồi chờ đợi. “Tôi rất quan tâm đến những cơ chế chính sách mà nó đang nghẽn. Nó nghẽn ở chỗ nào, thì phải trình ở chỗ đó”- ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh và kêu gọi lãnh đạo Sở Nông nghiệp- PTNT 13 địa phương ĐBSCL phải hành động nhanh.
Nguồn VTV