1. Từ tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Nước lấy dân làm gốc” xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đó là luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Làm cách mạng cũng vì nhân dân và vì nhân dân mà làm cách mạng triệt để. Muốn cách mạng thành công phải dựa vào nhân dân, muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cũng phải phát huy sức mạnh sự đồng lòng, ủng hộ từ nhân dân; muốn đất nước hùng cường phải có sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân… Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra… Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và quá trình quản lý xã hội của Nhà nước luôn đề cao, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”. Đại hội VI của Đảng xác định cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, đồng thời khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, đó là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý nhà nước của mình”. Đến Đại hội VIII, Đảng nêu rõ: yêu cầu xây dựng cơ chế cụ thể để thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước”. Từ đây phương châm đã được xác định rõ hơn, cụ thể hơn, tại nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước và không ngừng bổ sung, phát triển.
2. Đến quan điểm “Nhân dân là trung tâm” trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Tại Đại hội XIII, Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Từ quan điểm “lấy dân làm gốc” của Hồ Chí Minh đến quan điểm “Nhân dân là trung tâm” trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đều xác định vì nhân dân mà làm và làm mọi việc vì lợi ích nhân dân. Tuy nhiên, từ “lấy dân làm gốc” đến “Nhân dân là trung tâm” là kết quả quá trình bổ sung, hoàn thiện đầy đủ hơn, xác định mục tiêu rõ ràng hơn đối với chủ thể, đối tượng là nhân dân. Nghĩa là cần làm những gì có lợi cho người dân, làm như thế nào và người dân sẽ được thụ hưởng thành quả ra sao. Sự bổ sung trên phù hợp với điều kiện cụ thể, hoàn cảnh khách quan của Việt Nam và thể hiện nhất quán cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”.
Trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ hơn quan điểm “Nhân dân là trung tâm” của Đảng ta: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội … Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lợi thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân”.
Đại hội XIII của Đảng đã bổ sung thêm 2 nội dung quan trọng là “dân giám sát, dân thụ hưởng” trong phương châm thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa, thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây là một điểm mới, nổi bật của Đảng ta trong vai trò là đảng duy nhất cầm quyền duy nhất, đã nhấn mạnh quyền lực thuộc về nhân dân để tạo tiền đề vững chắc hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Quan điểm “Nhân dân là trung tâm” mà Đảng ta đề ra là khẳng định vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để thực hiện quan điểm này một cách hiệu quả, thiết thực, Đại hội XIII đã cụ thể hóa thành những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có tính tổng thể, bao trùm và liên quan trực tiếp đến lợi ích “thụ hưởng” của mọi người dân. Điều đó thể hiện tính ưu việt, nổi trội và bản chất tốt đẹp, nhân văn và con đường đúng đắn, mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, khác hẳn với sự bất công, bất bình đẳng của chủ nghĩa tư bản. Nhân dân là trung tâm thực sự, là mục tiêu cốt lõi, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước.
3. Để thực hiện hiệu quả quan điểm “Nhân dân là trung tâm”, trước hết cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, chủ nghĩa yêu nước. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phục vụ lợi ích của nhân dân. Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích trong xã hội; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhằm bảo đảm quyền làm chủ, quyền giám sát của nhân dân, động viên tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời, phải tập trung cao độ để thống nhất lãnh đạo nhân dân. Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Cấp ủy, tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hành dân chủ, tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án để bảo đảm thực sự “quyền giám sát” của nhân dân.
Tăng cường niềm tin, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mọi người dân. Trong đó, giáo dục gia đình có ý nghĩa quyết định trong việc định hình nhân cách của một con người; nuôi dưỡng, hun đúc những lý tưởng cao đẹp, ý chí vượt khó vươn lên, sống có hoài bão, sẵn sàng hy sinh, cống hiến cho Tổ quốc. Kết hợp tốt giữa giáo dục gia đình với nhà trường và xã hội. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách giáo dục; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học; tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mọi người dân có cơ hội được thụ hưởng những chính sách về giáo dục - đào tạo một cách công bằng và bình đẳng.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; hoàn thiện chính sách bảo hộ, cơ chế bình đẳng trong kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa, tạo sự yên tâm, khơi dậy niềm tin, ý chí của người dân, doanh nghiệp, doanh nhân vươn lên làm giàu chính đáng.
Phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Giải quyết tốt vấn đề chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa một cách đồng bộ để mọi người dân đều được thụ hưởng công bằng. Bảo tồn, gìn giữ và phát triển những nét đẹp trong văn hóa gia đình, văn hóa các dân tộc và di sản văn hóa, xây dựng nền văn hóa quốc gia, dân tộc trở thành “sức mạnh mềm” trong hội nhập quốc tế. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, giảm nghèo bền vững, bao trùm, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, đầy đủ về các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước bằng nhiều hình thức, phương thức phù hợp với mọi đối tượng người dân, nhất là tuyên truyền tới các vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số để người dân hiểu rõ, hiểu đúng, không các thế lực phản động, thù địch lôi kéo, dụ dỗ, kích động.
Quan điểm “Nhân dân là trung tâm” được Đảng ta xác định là động lực quy tụ sức mạnh, tiềm năng, khát vọng, ý chí của mọi người dân và chuyển hóa thành sức mạnh tổng hợp để bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, xây dựng cuộc sống của người dân ngày một thịnh vượng.
L.D.S