Để thực hiện được mục tiêu “liên kết, hợp tác để phát triển” là yêu cầu cấp thiết hiện nay, từ Trung ương xuống địa phương, các thành phần liên quan cần với thống nhất cao về nhận thức, đồng bộ trong hành động.
Thống nhất cao về nhận thức
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã lưu ý những vấn đề để thực hiện tốt và có hiệu quả thiết thực của Nghị quyết này, trong đó nêu rõ: Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng.
Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách cho phát triển vùng và liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế triển khai; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động hợp tác với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong, nhất là trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong.
Đối với việc hoàn thiện chế chế liên kết vùng, Nghị quyết 57 của Chính phủ xác định: Thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng; phát huy vai trò điều phối, có tính then chốt và hiệu quả của chính quyền trung ương; huy động sự tham gia và gắn kết giữa các bên tham gia liên kết vùng trên cơ sở tôn trọng, hài hòa lợi ích, khuyến khích sự linh hoạt và sáng tạo, đảm bảo tạo lập và củng cố sự tin tưởng lẫn nhau.
Để tạo nên động lực mới và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ nhấn mạnh, cần chuyển sang tư duy phát triển kinh tế vùng, thông qua 4 mối liên kết gồm bố trí lực lượng sản xuất thông qua quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh phối hợp xây dựng hệ thống giao thông kết nối vùng; đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của vùng và bảo vệ môi trường chung trên phạm vi toàn vùng.
Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, để thực hiện các mối liên kết trên cần củng cố vai trò của Hội đồng Vùng như một định chế có chức năng điều phối sự phát triển chung của các địa phương trong vùng. Với tổ chức nhà nước của nước ta không có chính quyền cấp vùng, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể liên kết chức năng quản lý nhà nước trong 4 lĩnh vực nêu trên của chính quyền các địa phương trong Vùng vì sự phát triển chung nhằm khai thác lợi thế của từng địa phương.
Các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long cần nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của liên kết kinh tế vùng, đồng thời nâng cao trách nhiệm, thống nhất thực hiện chiến lược, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của toàn vùng. Có những biện pháp giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh nhận thức đầy đủ về liên kết kinh tế vùng trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng bộ trong hành động
Các địa phương trong vùng, liên vùng cùng chung tay, huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên tỉnh và trong vùng.
Theo lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh là dù có dịch hay không có dịch vẫn phải cùng liên kết, đồng tâm hợp lực để đảm bảo chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long không bị đứt gãy, gián đoạn và cùng thống nhất các giải pháp liên kết phục hồi kinh tế như hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động của các tỉnh, thành quay trở lại thành phố làm việc; hỗ trợ doanh nghiệp thành phố và các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long phục hồi sản xuất kinh doanh, cùng liên kết phát triển thị trường tiếp tục liên kết triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa..
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh luôn xem các tỉnh, thành đồng bằng là đối tác phát triển và luôn sẵn sàng hỗ trợ các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng. Với lợi thế tập trung các nguồn lực phát triển cả nhân lực, vật lực, cả nguồn lực tại chỗ và nguồn lực bên ngoài của mình; Thành phố Hồ Chí Minh cam kết hỗ trợ các tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long về củng cố hệ thống y tế cơ sở phòng, chống dịch; về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp; hỗ trợ để chuỗi cung ứng. hàng hóa luôn được nối liền, không bị yếu tố địa giới hành chính làm ảnh hưởng, chia cắt; hỗ trợ trong hợp tác liên kết Vùng phát triển.
Với những kết quả hợp tác, liên kết trong thời gian qua, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự liên kết với nhau một cách chặt chẽ hơn, cùng nhau xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư; phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt tiềm năng, thế mạnh nông nghiệp của Vùng, huy động cao nhất các nguồn lực bên trong và bên ngoài, sớm mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Cụ thể hóa tinh thần này, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 -2025, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh đến nhóm giải pháp liên kết vùng, trong đó hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, đặc biệt tập trung vào hoàn thành đường Vành đai 2 khép kín, khởi công hệ thống đường Vành đai 3 và 4; tuyến Metro số 1, số 2; cầu Cát Lái, cầu Thủ Thiêm để kết nối giao thông thông suốt trong nội đô, cũng như giữa Thành phố và các địa phương lân cận. Đồng thời, thành phố triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Tây Ninh), đẩy mạnh tiến độ khởi công tuyến cao tốc này để phát triển kinh tế biên mậu, phát triển du lịch nội địa. Mở rộng các tuyến Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50, các tuyến đường kết nối các tỉnh.
Trước mắt, để kết nối hiệu quả chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam hiệu quả, nghiên cứu cơ chế phối hợp chung trên ba lĩnh vực gồm quy hoạch và phát triển Vùng đô thị; đào tạo, nguồn nhân lực, thị trường lao động; và bảo vệ môi trường chung.
Ở góc độ huy động nguồn lực, theo các chuyên gia của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin Trung ương sân bay hay cảng nước sâu cho riêng mình thì cả 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long cần đồng lòng, hợp tác kiến nghị Trung ương xây dựng bằng được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với vùng Đông Nam bộ. Phát triển trục đường cao tốc nối liền Tp. Hồ Chí Minh cho đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của toàn Vùng trong thời gian tới.
Trong việc triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở Trung ương cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển Vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển Vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tích hợp, đa ngành; gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với phát triển công nghiệp và dịch vụ; giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; giữa phát triển kinh tế với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn; hình thành được các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của Vùng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển các công trình trọng điểm có sức lan tỏa, giải quyết các vấn đề phát triển Vùng và liên vùng; phát triển vùng toàn diện cả về kinh tế, văn hoá, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh nơi cực Nam của Tổ quốc.
Ở góc độ địa phương, UBND các tỉnh, thành chủ động đề ra các giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển vùng và chủ động triển khai liên kết vùng; đồng thời kịp thời đề xuất với các cấp độ có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách vùng. Mặt khác, UBND các tỉnh thành cũng cần chủ động huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp nguồn lực, kết hợp nguốn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguốn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính đột phá tạo ra liên kết vùng trên địa bàn tỉnh, thành phố.
Có thể nói, trong bối cảnh hậu COVID-19 hiện nay, vấn đề liên kết vùng càng trở nên cấp bách, có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, nếu thực hiện tốt công tác này trong giai đoạn hiện nay cũng như thời gian tới sẽ góp phần “biến nguy thành cơ” để có những giải pháp để thúc đẩy liên kết kinh tế vùng nhằm đưa các địa phương, vùng kinh tế trọng điểm có bước phát triển mới.
Nguồn TTXVN