1. Trong bài báo “Tự phê bình, phê bình và sửa chữa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Tự phê bình là cá nhân (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm. Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ”.
Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người. Phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Nếu đoàn kết làm nên sức mạnh của Đảng thì tự phê bình và phê bình được coi là cội nguồn sức mạnh bậc nhất của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những căn bệnh mà người cán bộ thường mắc phải cần phê bình và sửa chữa. Đó là bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Đặc biệt, Người cảnh báo hiện tượng cấp trên, cấp dưới tách biệt nhau, quần chúng xa rời Đảng, các đảng viên và cán bộ dù có ý kiến cũng “không dám nói”, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình. Còn quần chúng không dám nói ra, để trong lòng, rồi sinh uất ức dẫn đến “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng” hoặc “thậm thà, thậm thụt” và hàng loạt thói xấu khác.
Theo Người, tự phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu mình, phê bình là phương thuốc trị bệnh cứu người. Vì vậy, mỗi tổ chức đảng, đảng viên phải có hình thức và phương pháp tự phê bình và phê bình phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Nếu không kiên quyết sửa chữa giống như bệnh để lâu ngày, càng thêm nặng. Người khẳng định Đảng sẽ vững mạnh nếu trong Đảng ai cũng “thiết thực phê bình” và “thiết thực sửa đổi”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương pháp tự phê bình và phê bình phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo và khéo léo về cách thức tiến hành. Phê bình người nào, khi nào, nói những gì, bằng cách nào… phải biết xử trí một cách rất tế nhị, không được làm cho người được phê bình khó chịu và nản lòng. Ngược lại, sử dụng không khéo tự phê bình và phê bình thì hiệu quả thu được thấp, thậm chí còn gây tác hại. Nếu né tránh, lựa chiều khi tự phê bình và phê bình tác hại sẽ lớn hơn. Khi thực hiện phê bình phải “phê bình việc làm, chứ không phải phê bình người”, “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Kết hợp chặt chẽ phê bình với tự phê bình; tự phê bình và phê bình với sửa chữa khuyết điểm. Phê bình phải đúng lúc, đúng chỗ, có cách nói thích hợp để người đuợc phê bình dễ tiếp thu, sửa chữa.
2. Trong những năm qua, các cấp uỷ, tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở thấm nhuần và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Những kết quả trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thông qua tự phê bình và phê bình, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, khắc phục những biểu hiện buông lỏng sinh hoạt đảng, coi nhẹ tự phê bình và phê bình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tự phê bình và phê bình trong các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên còn hạn chế nhất định. Một số cán bộ, đảng viên chưa xác định rõ nội dung, hình thức, phương pháp, tính chất của tự phê bình và phê bình; thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao. Việc tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi hiện nay còn mang tính hình thức, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, qua loa, đại khái, dĩ hòa vi quý; tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu. Còn có những “vùng cấm”, “vùng tránh” trong đấu tranh phê bình hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để “hạ bệ”, “thanh trừng” lẫn nhau, gây chia rẽ, bè phái, mất đoàn kết. Có nơi còn vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, thờ ơ, phớt lờ những ý kiến của nhân dân dẫn đến tâm lý bàng quan, thờ ơ, vô cảm với công tác xây dựng Đảng, thậm chí né tránh, e ngại trong việc góp ý, phê bình cán bộ, đảng viên, không dám, không muốn tố giác tham nhũng, tiêu cực. Thực trạng đó ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, của mỗi cán bộ, đảng viên, thậm chí làm suy yếu Đảng, mất niềm tin của nhân dân đối với các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình; nâng cao nhận thức, xác định đúng nội dung, lựa chọn đúng hình thức và phương pháp, động cơ và thái độ tự phê bình và phê bình. Cần thấy rõ tự phê bình và phê bình không phải là “bới lông tìm vết”, mà là “trị bệnh cứu người”, giúp tổ chức đảng và đảng viên thấy rõ ưu điểm để phát huy; thấy rõ khuyết điểm để sửa chữa; bảo đảm tính dân chủ, khách quan, trung thực, chất lượng, hiệu quả. Khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, bao che, tránh thái độ “dĩ hòa vi quý”, qua loa, đại khái, ngại đấu tranh phê bình; phải trên tinh thần thương yêu đồng chí. Tránh lợi dụng tự phê bình và phê bình để nói xấu, bôi nhọ, đả kích, hạ bệ lẫn nhau, hoặc nịnh nọt, tâng bốc lãnh đạo nhằm mục đích vụ lợị. Không được dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc và phải chú ý chỉ phê bình việc làm sai, chứ không phê bình con người. Kiên quyết phản đối thái độ thiếu xây dựng, “đao to búa lớn”, “quy chụp vu cáo”, lợi dụng phê bình để moi móc, công kích. Nghiêm cấm những hành động trấn áp phê bình, trù dập cá nhân.
Thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, về rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong các chi bộ, đảng bộ trên tinh thần: từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ cấp ủy, người đứng đầu đến cán bộ, đảng viên. Cấp trên phải nêu gương, mẫu mực tự kiểm điểm trước để cấp dưới tích cực, tự giác noi theo; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; cấp ủy viên và cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau.
Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tự phê bình và phê bình, đảm bảo phải thành thật, thẳng thắn và nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng tổ chức, giúp đỡ nhau tiến bộ. Phát huy tính tích cực, chủ động tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương mẫu mực về tự phê bình và phê bình của Người. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt đảng, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên hằng năm. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành trong hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị; không tùy tiện gặp đâu nói đó, việc bé xé ra to. Sau phê bình phải có biện pháp cụ thể, sát thực để khắc phục, sửa chữa khuyết điểm; kết hợp giữa “xây” với “chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm nhất trong tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.
Phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân trong thực hiện nguyên tắc tự phê bình, và phê bình. Xử lý kiên quyết, thích đáng những người lợi dụng phê bình để vu khống, xuyên tạc, chia rẽ nội bộ và trả thù cá nhân
Thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, văn minh, khơi dậy và phát huy vai trò của nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Thu Hà