Trả lời: Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc có thể khái quát thành những nội dung cơ bản sau đây:
1. Mục đích thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và dân tộc, trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử nhất định
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ:
“Mục đích thi đua ái quốc là gì?
Diệt giặc đói khổ,
Diệt giặc dốt nát,
Diệt giặc ngoại xâm”.
Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm là nhiệm vụ chính trị của Đảng và dân tộc ta lúc này. Ba thứ giặc ấy, theo Bác, đều nguy hiểm. Trong đó, nguy hiểm hơn cả là giặc ngoại xâm. Vì thế, phong trào thi đua phải hướng vào thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ : Vừa Kháng chiến nhằm diệt giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho dân tộc và Kiến quốc nhằm diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng cuộc sống mới, đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho nhân dân.
Mục đích thi đua được Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định là hết sức ngắn gọn, xúc tích nhưng đầy đủ, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện và thực hiện được thì nhiệm vụ chính trị cơ bản và quan trọng nhất đã thực hiện xong. Ở đây Bác đã cho chúng ta thấy rõ thiên tài trong công tác tuyên truyền, vận động của Bác.
2. Phương pháp, cách thức tiến hành.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ phương pháp, cách thực tiến hành là dựa vào dân (lực lượng của dân, tinh thần của dân) để lo cho hạnh phúc của dân. Ngoài phương pháp chung, tổng quát đã nêu, Bác còn xác định rất cụ thể để mọi người dễ thực hiện: “Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều”.
Bác chỉ rõ hơn:
“Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;
Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;
Đồng bào công nông thi đua sản xuất;
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;
Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân;
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng”.
3. Chủ thể tiến hành và lĩnh vực thi đua
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: Là tất cả mọi người dân Việt Nam không phân biệt “sĩ, nông, công, thương, binh” và không phân biệt “bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ”. Và lĩnh vực thi đua là “Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa” và “bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”. Nói một cách khác, lực lượng tiến hành là toàn dân, lĩnh vực thi đua là toàn diện.
4. Dự báo kết quả thi đua
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một cách cụ thể mục tiêu trước mắt và mục tiêu lâu dài của phong trào thi đua. Ở đây Bác lại cho chúng ta một bài học thấm thía trong xác định mục tiêu của phong trào thi đua phải vừa thiết thực, cụ thể, trước mắt…vừa lâu dài, khái quát, bao trùm. Từ đó, vừa kịp thời tạo ra động lực cho người tham gia phong trào thi đua vừa giúp họ vững tin vào tiền đồ của cách mạng để nhiệt tình, hưởng ứng và kiên định đi theo, làm theo.
Cuối lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một niềm tin mãnh liệt vào kết quả của phong trào thi đua: “Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc”.
Như vậy, trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cụ thể hóa đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh vào trong lĩnh vực thi đua. Hay nói cách khác, Bác đã tìm ra biện pháp hữu hiệu, phù hợp thực tế, truyền thống của dân tộc Việt Nam để thực hiện đường lối kháng chiến là: Thi đua ái quốc./.
Văn Minh