Bản chất của pháp quyền là xác lập các quy tắc dân chủ và kiểm soát quyền lực nhà nước trong quản trị quốc gia. Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể của quyền lực; pháp luật bắt nguồn từ nhân dân, vì nhân dân, của nhân dân. Nhà nước được Nhân dân giao quyền, ủy quyền để quản lý nhà nước, quản lý xã hội, có trách nhiệm tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong tổ chức và hoạt động, công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội theo Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, pháp quyền là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 27-NQ/TW, nngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới xác định rõ yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị; luôn phải đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kiên trì, hiệu quả.
Đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang giám sát việc thi công xây dựng công trình chợ Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: hdndtuyenquang.gov.vn
Trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền là yêu cầu rất quan trọng. Phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương là điều kiện đảm bảo để nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền ở địa phương, phát huy lợi thế so sánh và những đặc thù vốn có của mình trong việc phát triển kinh tế – xã hội dưới sự điều chỉnh thông nhất của hệ thống pháp luật. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh đổi mới kinh tế, xã hội và công cuộc cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay.
Đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền góp phần phát huy dân chủ, bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính quyền địa phương, mở rộng sự tham gia của người dân vào các hoạt động chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước, địa phương. Nguyên tắc pháp quyền tạo cơ sở để khi người dân tham gia vào quá trình ra quyết định có thể dễ dàng giám sát và đánh giá việc chính quyền thực thi các quyết định của mình. Đồng thời, tăng thêm tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo của cơ quan hành chính trước những điều kiện và nhu cầu của địa phương, gắn với cắt giảm các thủ tục hành chính.
Cơ chế vận hành hệ thống chính trị ở nước ta là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Bảo đảm cho Chính phủ và chính quyền địa phương tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, đồng thời, phát huy sự năng động, kiến tạo, liêm chính trong thực hiện quyền hành pháp. Pháp luật là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội, đồng thời là công cụ để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước.
Do vậy, để bảo đảm thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, trước hết cần tăng cường vai trò lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Đảng với hệ thống chính trị để đảm bảo quyền lực Nhà nước luôn có sự thống nhất, tập trung cao. Nâng cao năng lực của nền hành chính và bảo đảm gắn kết trách nhiệm của chính quyền địa phương, trên cơ sở xác đinh rõ và đầy đủ nhiệm vụ, sứ mệnh, mục tiêu, phương thức quản lý, thực thi thẩm quyền được phân cấp. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế hành chính, nhất là năng lực tổ chức, hoạt động của các thiết chế hành chính, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hành chính. Gắn kết giữa đào tạo với vị trí, yêu cầu việc làm trong cơ quan Nhà nước, có chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có chế độ đãi ngộ, lương, thưởng phù hợp để khuyến khích, tạo động lực, gắn trách nhiệm với nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước.
Bảo đảm sự quản lý thống nhất của các cơ quan nhà nước Trung ương với chính quyền địa phương về thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền trên cơ sở pháp luật và tính hiệu quả. Phân định rõ rõ thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước cấp trên giao hoặc chuyển giao hoặc ủy quyền cho chính quyền địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, trên tinh thần cấp nào làm tốt hơn và hiệu quả nhất việc nào thì giao cho cấp đó thực hiện.
Tăng cường năng lực kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ của chính quyền địa phương, cơ sở. Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan hành chính; tăng cường hoạt động giám sát của cơ quan dân cử cũng như các tổ chức giám sát và kiểm toán độc lập. Sử dụng công nghệ mới để xác lập một hệ thống giám sát – đánh giá, độc lập của cơ quan hành chính cấp trên đối với việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan trực thuộc, chính quyền cơ sở.
Xây dựng, vận hành nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ. Tiếp tục xây dựng bộ máy chính quyền các cấp hợp lý; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, hoàn thiện hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp./.
Nguyễn Văn Đại