Xác định tầm quan trọng của công tác truyền thông, nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình số 01/CTr-BCH ngày 26/8/2020 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”; Kế hoạch số 104/KH-LĐLĐ ngày 02/10/2020 của Liên đoàn lao động tỉnh Tuyên Quang về việc “Triển khai thực hiện Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023”, trong thời gian qua với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, công tác truyền thông của các cấp công đoàn trong tỉnh đã được triển khai, nội dung tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động (CNVCLĐ) nhận thức sâu sắc hơn nữa về Đảng Cộng sản Việt Nam, về tổ chức Công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động.
Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật về lao động, công đoàn; an toàn vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội việc làm, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước. Tuyên truyền các hoạt động đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, CNVCLĐ; Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, các hoạt động trợ giúp đoàn viên, người lao động khó khăn; đưa hoạt động của công đoàn đến với CNVCLĐ kịp thời, thiết thực và hiệu quả
Các cấp công đoàn đã quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ công tác tuyên truyền, giáo dục để tổ chức triển khai thực hiện. Cán bộ Công đoàn chủ động tích cực và có trách nhiệm trong sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền, phổ biến thông tin chính thống đến với đoàn viên, CNVCLĐ.
LĐLĐ tỉnh xây dựng và duy trì hoạt động các chuyên trang, chuyên mục trên Báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh Truyền hình... Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tỉnh trong tổ chức các hoạt động truyền thông, hằng năm duy trì 12 chương trình truyền hình, 12 chuyên trang, đăng tải trung bình 700 tin, bài/năm. Phối hợp, kịp thời cung cấp thông tin, tư liệu về hoạt động của các cấp công đoàn trong tỉnh để đăng tải tuyên truyền truyền trên các ấn phẩm của Báo Lao động, Tạp chí Lao động và Công đoàn, trong đó có các tin bài về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các thông tin xấu độc của các thế lực thù địch.
Công tác truyền thông và sử dụng các ứng dụng tích cực của Internet, mạng xã hội được LĐLĐ tỉnh vận dụng sáng tạo và hiệu quả góp phần truyền tải thông tin và tương tác, chia sẻ các hoạt động công đoàn với đoàn viên, CNVCLĐ. Trang thông tin điện tử (Website) Công đoàn Tuyên Quang được xây dựng và hoạt động từ năm 2013 đến nay, được đoàn viên CNVCLĐ biết đến là nơi để cập nhật những thông tin mới nhất về hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tỉnh với tổng số gần 8.000 tin, bài và trên 100.000 lượt người theo dõi. Trang fanpage Công đoàn Tuyên Quang được thành lập từ năm 2018. Đến nay, sau 5 năm duy trì hoạt động, trang fanpage Công đoàn Tuyên Quang đã thu hút gần 28.000 người theo dõi; trung bình mỗi ngày đăng tải và chia sẻ 4 tin bài. Hiện nay, 11/11 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thành lập và duy trì hoạt động trang fanpage của đơn vị.
Ngoài ra, các cấp công đoàn đã ứng dụng hiệu quả kênh truyền thông xã hội là zalo. Liên đoàn lao động tỉnh thành lập nhóm zalo của Ban Chấp hành, nhóm zalo các ban và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; hơn 300 công đoàn cơ sở có trang facebook của đơn vị và hàng ngàn nhóm zalo cán bộ công đoàn, nhóm zalo công đoàn cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền, trao đổi thông tin... Hoạt động của các thành viên nhóm đã giúp cho việc truyền tải những chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chỉ đạo… của Trung ương, của tỉnh, của tổ chức Công đoàn đến các cấp công đoàn trong toàn tỉnh được kịp thời. Thường xuyên nắm tình hình dư luận xã hội, tâm tư, nguyện vọng và những vụ việc phức tạp liên quan đến đoàn viên và người lao động; tuyên truyền, chia sẻ những thông tin, bài viết đúng đắn; kịp thời loại bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong tình hình mới...
Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã xác định: “Xây dựng nguồn lực Công đaoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới” là một trong 3 khâu đột phá. Vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác truyền thông Công đoàn trong tình hình mới, trước hết cần nâng cao nhận thức cho cán bộ công đoàn, các cấp công đoàn về công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam; Đổi mới tư duy và cách thức thực hiện công tác truyền thông, từ truyền thống sang hiện đại là chủ yếu; xác định truyền thông là trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn, nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp công đoàn; Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp với điều kiện thực tiễn của cơ sở như thông qua website; trang thông tin nội bộ, truyền thanh, mạng xã hội, đồng thời phát huy hiệu quả đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên cấp tỉnh, huyện, ngành trong công tác truyền thông, định hướng dư luận.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan báo chí trong tổ chức các hoạt động truyền thông. Đổi mới phương thức thông tin về tổ chức và hoạt động công đoàn trên các báo, tạp chí. Cập nhật, tăng cường tuyên truyền, chia sẻ các bài phản biện đấu tranh trên các trang thông tin chính thống của Trung ương và của tỉnh, đẩy mạnh tuyên truyền trên các trang mạng xã hội để thông tin đến được với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ; tăng cường các tin tốt để lấn át các tin xấu; kịp thời có các tin bài phản bác trước các thông tin xấu, sai sự thật liên quan đến tổ chức Công đoàn.
Đẩy mạnh truyền thông trên nền tảng mạng xã hội phổ biến và ứng dụng trên điện thoại di động. Tổ chức thông tin trên các mạng xã hội (facebook) của công đoàn nội dung về phổ biến, giải đáp chính sách pháp luật; giới thiệu các chương trình phúc lợi, hoạt động thiết thực của công đoàn cho đoàn viên, người lao động; quảng bá hình ảnh công đoàn; phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và của tổ chức Công đoàn Việt Nam; định hướng thông tin đúng đắn, kịp thời cho đoàn viên, người lao động và dư luận xã hội; Tăng cường gắn kết với đoàn viên, người lao động thông qua các trang mạng xã hội. Hình thành bộ phận tiếp nhận, xử lý và phản hồi thông tin của đoàn viên, CNVCLĐ.
Phát triển kênh truyền thông trực tiếp có tác động nhanh, sức lan tỏa rộng để đưa thông tin đến đoàn viên, người lao động: Truyền thông theo nhóm; Truyền thông qua hệ thống thông tin cơ sở tại nơi làm việc... Phát huy vai trò của những người có uy tín, báo cáo viên cùng tham gia các hoạt động của tổ chức Công đoàn, thu hút sự chú ý của đoàn viên, người lao động và truyền thông.
Xây dựng, sử dụng các sản phẩm văn hóa - truyền thông phục vụ đông đảo đoàn viên, người lao động, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là nhanh chóng đưa các hoạt động văn hóa tinh thần đến đông đảo người lao động: Sử dụng bộ nhận diện Công đoàn Việt Nam trong các sự kiện của công đoàn, các cuộc tiếp xúc với công nhân, lao động và các cuộc làm việc với các cơ quan chức năng; Xây dựng các sản phẩm truyền thông phục vụ công tác truyền thông trong hệ thống công đoàn; Tổ chức các cuộc thi ảnh, thi viết về tấm gương cán bộ Công đoàn, đoàn viên trên fanpage…
Xây dựng đội ngũ Cộng tác viên truyền thông Công đoàn Tuyên Quang chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho đoàn viên và người lao động luôn đề cao cảnh giác, tạo thói quen kiểm chứng thông tin trước khi bình luận, chia sẻ; giữ kỷ luật trong phát ngôn; tăng cường tìm hiểu trang bị kiến thức để nhận diện, phản bác và tích cực tham gia định hướng dư luận xã hội, không để người lao động bị lôi kéo, tin theo những thông tin sai trái, thù địch./.
Mai Lan