Trong nhiệm kỳ 2015-2020 trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện U Minh Thượng đã đoàn kết, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức khá, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; giáo dục – đào tạo, văn hóa, y tế, giải quyết việc làm, chăm lo gia đình chính sách, hộ nghèo được quan tâm, bởi, huyện đã tập trung huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội bởi kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội có vai trò rất quan trọng, là đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội góp phần đưa kinh tế huyện nhà có mức phát triển khá, bộ mặt nông thôn thay đổi.
Để đạt được kết quả đáng khích lệ đó, huyện ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, quan tâm chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn trong xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế – xã hội tập trung vào xây dựng nông thôn mới với tổng vốn huy động xây dựng nông thôn mới 2.122 tỷ đồng tập trung thực hiện các đề án phát triển nông nghiệp, các công trình xây dựng cơ bản, giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, các công trình văn hóa, trường học, y tế; vận động nhân dân hiến 67.000 mét vuông đất mở rộng lộ giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa. Công nhận 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Vĩnh Hòa, Thạnh Yên, Thạnh Yên A, các xã còn lại bình quân đạt 15 tiêu chí, tăng từ 5-7 tiêu chí so đầu nhiệm kỳ, huyện cơ bản đạt 6/9 tiêu chí nông thôn mới.
Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được quan tâm đầu tư. Các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, sân bóng đá, bóng chuyền được duy trì và phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được quan tâm; công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa hằng năm đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Huy động các nguồn lực thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công và bảo trợ xã hội như: xây dựng, sửa chữa 1.974 căn nhà cho đối tượng chính sách, 830 nhà cho người nghèo, đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 45,8%, giải quyết việc làm cho 16.825 lao động, vượt 12,1% NQ.
Bằng các nguồn của Trung ương và địa phương đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc, tổng số tiền trên 25 tỷ đồng, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer có nhiều chuyển biến, tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc hiện còn 7,08%, giảm 5,1% so đầu nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, trước nhu cầu phát triển, kết cấu hạ tầng của huyện vẫn chưa đảm bảo, có nơi giao thương hàng hóa còn nhiều khó khăn. Vì vậy, phải tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là tranh thủ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đồng thời xã hội hóa, kêu gọi các mạnh thường quân, nhà đầu tư cả trong và ngoài huyện đầu tư xây dựng cầu lộ giao thông, các công trình dự án thiết yếu của huyện đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong thời gian tới.
Do đó, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VII của huyện xác định cần phát huy dân chủ, huy động sức mạnh toàn xã hội xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, khai thác hợp lý tiềm năm của từng tiểu vùng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm nông sản hàng hóa; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ môi trường; giữ vững quốc phòng – an ninh.
Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo hướng nâng cao hiệu quả, tăng giá trị trên đơn vị diện tích gắn với chuỗi giá trị, đảm bảo sức cạnh tranh. Nâng cấp, chỉnh trang mở rộng chợ xã Hòa Chánh, An Minh Bắc, Vĩnh Hòa, Thạnh Yên A. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ: quán ăn, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, cung ứng giống, thức ăn, vật liệu xây dựng, thu mua, dịch vụ vận tải. Tạo điều kiện thuận lợi về tín dụng, đất đai, chính sách thuế khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại như siêu thị, bách hóa xanh.
Phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh thực hiện các dự án bảo tồn, phát triển Vườn Quốc gia U Minh Thượng. Hình thành các tour du lịch liên kết, kết nối du lịch Vườn Quốc gia với khu di tích căn cứ Tỉnh ủy, Tỉnh đội, An ninh khu 9 và kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh để thu hút du khách, đồng thời vận động kêu gọi xã hội hóa dịch vụ du lịch nhà vườn, du lịch trải nghiệm. Tăng cường quảng bá nhằm thu hút du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của rừng, bảo vệ và phát huy các sản phẩm đã được công nhận nhãn hiệu để nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế và sản phẩm du lịch.
Tập trung triển khai xây dựng hoàn thành Khu đô thị mới U Minh Thượng, Khu tái định cư và nhà ở dân cư thu nhập thấp, Trung tâm Y tế huyện, cầu Trung tâm hành chính huyện, cầu đường tỉnh 965, Trung tâm văn hóa thể thao và Nhà thiếu nhi huyện, bãi xử lý rác, chỉnh trang, nâng cấp trụ sở làm việc ấp. Nâng cấp tuyến giao thông nông thôn kết nối U Minh Thượng với Thới Bình, Gò Quao, An Biên, An Minh, các tuyến liên ấp đảm bảo xe ôtô và xe tải nhỏ lưu thông được; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 100% đường giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng đạt tiêu chí nông thôn mới.
Tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng chống sạt lở, dành một phần kinh phí đối ứng xã hội hóa xây dựng, nâng cấp, sửa chữa lộ giao thông nông thôn, kinh phí đầu tư chống sạt lở một số tuyến giao thông đường thủy. Tiếp tục quan tâm đầu tư hệ thống lưới điện Quốc gia, nhất là hệ thống điện 3 pha phục vụ sản xuất, khuyến khích đầu tư phát triển điện năng lượng mặt trời, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn đạt 98,9%. Duy trì và phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp hiện có. Kêu gọi và có cơ chế về thuế, tín dụng ưu đãi vận động nhân dân tận dụng sản phẩm nông nghiệp sẵn có sơ chế thực phẩm và chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Vận dụng thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về đất đai, tín dụng, thuế, đào tạo cán bộ hợp tác xã để phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế hộ, kinh tế tư nhân phát triển, nhất là chính sách về tín dụng, kỹ thuật, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển hạ tầng về điện, giao thông, chính sách đất đai, điều kiện đăng ký kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khuyến khích đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá, điện khí hóa trong sản xuất, kinh doanh, xây dựng cánh đồng liên kết sản xuất để tiến tới xây dựng cánh đồng lớn.
Phát huy tốt vai trò hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc để làm cơ sở nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình này trong toàn huyện. Duy trì và phát triển sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể và một số sản phẩm đặc trưng rừng U Minh để quảng bá thương hiệu phục vụ du khách tham quan du lịch, xây dựng mỗi xã 1 sản phẩm đặt trưng. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, trung tâm huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV và đến năm 2030 các xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao./.
PV tổng hợp