Thời gian qua, có ba quan điểm chính xuyên tạc, phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, quan điểm của các học giả tư sản phương Tây luôn đối lập với C.Mác về lập trường tư tưởng. Khi chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhiều học giả phương Tây, cả cánh tả và cánh hữu, từ tân bảo thủ đến tân tự do tin rằng đây là một dấu chấm hết đối với chủ nghĩa Mác-Lênin sau hơn 150 năm tồn tại. Các học giả này đã vin vào sự phát triển hiện thời của chủ nghĩa tư bản mà cho rằng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ thấy được khía cạnh “phá hủy” của chủ nghĩa tư bản, mà không thấy được khả năng “sáng tạo” của nó trong vòng chuyển động không ngừng. Họ cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ ra con đường sai lầm để thoát khỏi chủ nghĩa tư bản, chẳng những không dẫn đến chủ nghĩa xã hội, mà còn đưa tới một chế độ “toàn trị độc đoán”, hay là dẫn loài người tới “chủ nghĩa nô lệ”.
Thứ hai, quan điểm của những kẻ cơ hội, xét lại nhân danh bảo vệ chủ nghĩa Mác nhưng thực chất là xuyên tạc, hạ bệ chủ nghĩa Mác. Sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, các phần tử cơ hội thuộc các đảng cộng sản đã mạo danh là những người mácxít - mặc dù lên tiếng ủng hộ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội nhưng thực chất là vin vào sự thoái trào của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa để đòi xét lại chủ nghĩa Mác. Tiêu biểu cho xu hướng này là trường phái Tờrốtkít mới. Chính sự xuyên tạc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lập trường, quan điểm của những người theo chủ nghĩa Mác. Biểu hiện rõ ràng nhất là sự giảm sút lớn số lượng những người trung thành với học thuyết này trên toàn thế giới. Xu hướng “phi mácxít hóa”, phân rã về tư tưởng, ly khai với học thuyết Mác-Lênin trỗi dậy mạnh tại hàng loạt nước từng đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, cũng như trong nội bộ các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế.
Thứ ba, quan điểm của những người theo thuyết kỹ trị hiện đại muốn phủ nhận những luận điểm cơ bản của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội trong thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khi khoa học và công nghệ đang ngày càng có vai trò to lớn đối với sự phát triển của xã hội loài người, các nhà kỹ trị mới lại đang tìm cách vin vào đó để cho rằng, ngày nay với sự xuất hiện ngày càng nhiều “robot thông minh”, “trí tuệ nhân tạo”, người máy đang dần thay thế con người. Điều đó khiến người lao động vốn từ chỗ là chủ thể của quá trình sản xuất đang bị gạt ra bên lề quá trình sản xuất ấy, trở thành nhân tố đóng vai trò thứ yếu. Từ đó họ cho rằng đã đến lúc cần xem xét lại quan điểm của C.Mác về vai trò, vị trí trung tâm, có ý nghĩa quyết định của người lao động trong sản xuất vật chất.
* Luận cứ đấu tranh phản bác
Một là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước hết là do sự chống phá từ trong nội bộ như lời thú nhận của M.X.Goócbachốp vào năm 1991 như sau: “Mục tiêu của toàn bộ cuộc đời tôi là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Chính vì để đạt được mục tiêu này, tôi đã sử dụng địa vị của mình trong Đảng và trong Nhà nước. Khi trực tiếp làm quen với phương Tây, tôi đã hiểu rằng tôi không thể từ bỏ mục tiêu chống cộng sản đặt ra. Và để đạt được nó, tôi đã phải thay đổi toàn bộ Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Liên Xô và Xôviết tối cao cũng như ban lãnh đạo ở tất cả các nước Cộng hòa. Tôi đã tìm kiếm những người ủng hộ để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong số này đặc biệt có A.Yakovlep, Sevatnatde.. Như vậy, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô không phải do sai lầm của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, chủ nghĩa xã hội cũng không phải là “con đường sai lầm” khiến nhân loại đi vào ngõ cụt như các thế lực thù địch vẫn quy chụp và rêu rao.
Hai là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô cũng do “bắt nguồn từ chủ nghĩa giáo điều và xét lại trong đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng cầm quyền, cùng sự phản bội của một số người lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin". Hơn nữa, đây là sự sụp đổ của một mô hình chủ nghĩa xã hội cụ thể chứ không phải là sự sụp đổ của lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, vì hiện nay một số nước trên thế giới vẫn đang tiếp tục vận dụng lý luận này để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội như Trung Quốc, Việt Nam... Do đó, những luận điệu cho rằng, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu là do sai lầm từ lý luận về học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là những luận điệu phiến diện, cố tình quy chụp.
Ba là, những thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại ngày nay với sự ra đời của người máy đã thay thế không chỉ những công việc nặng nhọc, những hoạt động cơ bắp, mà còn có thể thay thế cho cả những hoạt động tinh vi, phức tạp của con người. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là khoa học và công nghệ hiện đại trở thành yếu tố quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó người lao động trở thành yếu tố thứ yếu, đứng bên ngoài quá trình sản xuất. Về thực chất, khoa học và công nghệ trước hết là sản phẩm của quá trình nhận thức, sản phẩm của sự phát triển trí tuệ của con người. Dù trí tuệ nhân tạo dẫu được mệnh danh là tiên tiến đến đâu cũng chỉ là sản phẩm của con người, hoạt động của nó phụ thuộc vào những chương trình mà con người đã lập ra, đã cài đặt vào máy tính điện tử và người máy công nghiệp. Do vậy, trong bất cứ thời đại nào, kể cả thời đại của khoa học và công nghệ hiện đại, người lao động vẫn là nhân tố đóng vai trò quyết định sự phát triển của lực lượng sản xuất. Vì thế, quan điểm của C.Mác về vai trò quyết định của người lao động đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất vẫn còn đúng đắn./.
PV