Thời gian qua vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ lãnh đạo, trong đó, có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao vi phạm đến mức phải kỷ luật, xử lý hình sự, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương vì vi phạm nghiêm trọng quy định những điều đảng viên không được làm, vi phạm quy định về nêu gương, vi phạm pháp luật phải bị truy tố…
Bên cạnh đó, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống; một số suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vẫn còn tình trạng nói không đi đôi với làm; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cá nhân chủ nghĩa, cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao. Việc đấu tranh với các biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ. Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao…
Điều đó cho thấy tình trạng suy thoái đạo đức cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là vấn đề đáng báo động, đòi hỏi Đảng ta phải kịp thời chấn chỉnh, xử lý, ngăn chặn và đưa ra giải pháp để mọi cán bộ, đảng viên đều phải chấp hành ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều bài viết trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến đạo đức cách mạng. Có thể kể đến các tác phẩm: Đường Cách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Đạo đức cách mạng (năm 1955), Đạo đức cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969), Di chúc (năm 1969)... Điều đó cho thấy đạo đức là một chủ đề được người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đặc biệt quan tâm.
Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng (năm 1958), Người viết: nói tóm tắt thì đạo đức cách mạng là “quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên hết, lên trước lợi ích của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Đạo đức cách mạng là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc, nền tảng của người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì”[1].
Đạo đức trong quan điểm của Người được xem xét toàn diện, bao gồm đạo đức công dân, đạo đức cán bộ, đảng viên, đạo đức người đứng đầu, chủ chốt. Đạo đức được nhận diện từ môi trường gia đình, công sở, xã hội đến trong các mối quan hệ với mình, với người, với việc.
Quán triệt và thực hiện tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, Đảng ta tiếp tục đề cao vai trò của đạo đức cách mạng và đã ban hành nhiều Nghị quyết, văn bản liên quan đến nội dung này.
Trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam xuất bản năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ thực tế đau lòng là vẫn còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên cấp cao mà “Làm việc gì, giữ chức vụ gì cũng chỉ tính đến lợi quyền, bổng lộc cho cá nhân mình, gia đình mình trước nhất, quên cả thanh liêm, danh dự”.
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, nhưng đạo đức là một hình thái ý thức xã hội nên rõ ràng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nói: “Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta”. Vì “từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội các lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hàng ngày. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấy rõ bổn phận và trách nhiệm của mình, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức và không bị cám dỗ bởi vật chất, tiền tài, danh vọng; đấu tranh có hiệu quả với mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, bệnh quan liêu, cơ hội, cục bộ, bè phái, mất đoàn kết nội bộ. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên “tự soi”, “tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên”[2].
Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới (Quy định 144) được ban hành chính là bước bổ sung, hoàn thiện lý luận về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới như Văn kiện Đại hội XIII yêu cầu; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Trung ương đối với công tác xây dựng đảng về đạo đức, nhất là trong bối cảnh Đảng ta đang đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với 5 điều quy định vừa toàn diện, vừa cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện và cũng dễ kiểm tra, giám sát, Quy định 144 chính là văn kiện quan trọng thể hiện tư duy đổi mới, bám sát tình hình thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng đề ra trong giai đoạn mới; là sự kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo Tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới; là cơ sở soi chiếu để lựa chọn được những cán bộ, đảng viên đủ đức, đủ tài phục vụ nhân dân, phụng sự sự nghiệp phát triển đất nước. Nội dung Quy định này không chỉ thể hiện đầy đủ, toàn diện những chuẩn mực đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về mục tiêu, lý tưởng, bản lĩnh chính trị, tinh thần đổi mới, sáng tạo; sự nhất quán về lòng yêu nước, thương dân, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết trên mọi lĩnh vực mà còn là thực thi nguyên tắc, biện pháp tu dưỡng đạo đức cách mạng vừa có tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài đối với mỗi cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiểu rõ và tự giác thực hiện đầy đủ 5 nội dung này thì Quy định 144 chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xói mòn về phẩm chất đạo đức, tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng. Khi bản thân cán bộ, đảng viên gương mẫu học tập, thực hiện Quy định 144 sẽ nhận được sự tin tưởng của Nhân dân, nói gì, làm gì Nhân dân cũng tin và nghe theo, làm theo. Ngược lại, bản thân và gia đình đảng viên không gương mẫu sẽ đánh mất niềm tin của người dân. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương thì hàng triệu đảng viên sẽ là những tấm gương sáng, toàn Đảng sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân.
Thời điểm này, các cấp uỷ đang bắt tay vào thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Công tác chuẩn bị nhân sự là vấn đề trọng tâm, quyết định thành công của Đại hội. Nhân sự cũng là mối quan tâm hàng đầu của cấp uỷ và nhân dân. Quy định 144 đã đưa ra những tiêu chuẩn, quy định cụ thể về chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với đảng viên trong giai đoạn mới là rất kịp thời và phù hợp với tình hình hiện nay, giúp cấp uỷ các cấp có căn cứ để tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự chính xác, đảm bảo nhân sự có đức, có tài, có uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Thiết nghĩ, quy định đã có, nhưng đó cũng mới chỉ là bước đầu. Quan trọng nhất là phải đưa quy định vào tổ chức thực hiện trong thực tiễn công việc và cuộc sống. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần sâu sắc và thực hành các chuẩn mực đạo đức một cách tự giác, thường xuyên như “cơm ăn, nước uống hằng ngày”, để vượt qua được mọi thách thức, cám dỗ, đẩy lùi mọi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá" , góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.
----------------------------------
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.5, tr. 292-293
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, tập II, tr. 237
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam