Tài chính xanh cung cấp nguồn vốn (có ưu đãi) cho những dự án thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải, như những dự án sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên,… giúp cho các dự án này triển khai có hiệu quả, tạo dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Tài chính xanh mang lại lợi ích kinh tế và môi trường cho con người, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững bởi tài chính xanh mở rộng khả năng tiếp cận hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường cho các cá nhân và doanh nghiệp, cân bằng quá trình chuyển đổi sang một xã hội ít carbon, dẫn đến tăng trưởng toàn diện hơn về mặt xã hội.
Thứ hai, tài chính xanh góp phần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững
Bằng cách cung cấp các công cụ tài chính ưu đãi cho những doanh nghiệp, những dự án thân thiện với môi trường, tài chính xanh cung cấp nguồn vốn cho các dự án xanh, giúp các doanh nghiệp đầu tư cho công nghệ xanh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của người lao động, từ đó góp phần khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh bền vững.
Thứ ba, tài chính xanh thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường
Tài chính xanh góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; thúc đẩy nghiên cứu, sáng tạo, chuyển sang các phương thức sản xuất ít phát thải hơn, nhờ đó giải quyết các thách thức về biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.
Thứ tư, tài chính xanh góp phần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp
Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế có cường độ phát thải cao nhất chấu Á, việc chuyển đổi sang kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc. Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc phát triển kinh tế xanh ít carbon có thể sẽ chuyển từ chiến lược tự nguyện sang chiến lược bắt buộc. Tài chính xanh sẽ giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu này và góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi quy định về môi trường được thắt chặt.
Xanh hóa sản xuất, xanh hóa tiêu dùng đang là xu thế chung của thế giới. Hiện nay, nhiều thị trường lớn trên thế giới đang thúc đẩy các chính sách phát triển bền vững, giảm phát thải carbon thông qua việc áp thuế đối với hàng hóa. Tài chính xanh là công cụ hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp phát triển xanh, do đó, giúp họ tăng cường khả năng cạnh tranh.
Tài chính xanh hỗ trợ những dự án xanh, bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu vào những thị trường khó tính quan tâm cao đến vấn đề bảo vệ môi trường như châu Âu. Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) được thông qua ngày 15/01/2020 đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Ấu bắt buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định. Những doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU nào chuyển đổi xanh thành công sẽ có những lợi thế cạnh tranh ở thị trường EU, đồng thời, việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh của EU cũng mang đến sự đảm bảo nhất định cho khả năng xuất khẩu của doanh nghiệp đi các thị trường phát triển lớn khác như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản,…. Các nguồn tài chính xanh sẽ là nguồn vốn hỗ trợ quan trọng giúp các doanh nghiệp này chuyển đổi xanh một cách đồng bộ, toàn diện và có ưu thế cạnh tranh nhất định.
Thứ năm, tài chính xanh góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các giải pháp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon
Thị trường tín chỉ carbon là một trong minh chứng về hợp tác quốc tế trong giải quyết biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế giảm phát thải carbon. Thời gian qua, Việt Nam vừa trở thành quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trên 51 triệu USD dựa trên kết quả giảm phát thải tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ từ Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới.
Hợp tác quốc tế góp phần thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 và tạo dựng một tương lai bền vững cho Trái đất. Các quốc gia có thể hợp tác chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực tài chính xanh để cùng nhau giải quyết các thách thức về môi trường.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn lực cho tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam rất cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính xanh là chìa khóa để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quốc tế, huy động nguồn lực tài chính cho phát triển xanh, tham gia các diễn đàn quốc tế về tài chính xanh. Hợp tác với các tổ chức quốc tế và các nước phát triển trong lĩnh vực này cũng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển tài chính xanh hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Thứ sáu, tài chính xanh góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống
Tài chính xanh cung cấp vốn cho các dự án xanh. Các dự án này thường đòi hỏi nhiều lao động, do đó, góp phần tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Mặt khác, môi trường xanh, sạch đẹp và khí hậu ổn định mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người. Đồng thời, tài chính xanh góp phần đảm bảo rằng mọi người đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính và cơ sở hạ tầng xanh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Hệ thống tài chính xanh bao hàm những hoạt động liên quan tới huy động nguồn tài chính xanh cho các hoạt động đầu tư xanh thông qua kênh thị trường tài chính xanh và các trung gian tài chính xanh. Tài chính xanh đóng vai trò quan trọng góp phần giúp các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng đạt được mục tiêu phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích cho cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng./.
Tài liệu tham khảo
Minh Đức: “Phát triển thị trường tín chỉ carbon: Chìa khóa để thúc đẩy Việt Nam đat được các mục tiêu phát triển bền vững”, https://thitruongtaichinhtiente.vn, ngày 07/09/2023.
Việt Hằng: “Thỏa thuận xanh châu Âu: Tác động và cơ hội đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam”, https://tapchicongthuong.vn, ngày 03/12/2023.
“Tài chính xanh là gì? Đầu tư xanh tại Việt Nam và thế giới”, ngày 07/05/2024, https://fpt-is.com.
“Tài chính xanh là gì? Thực trạng và giải pháp tài chính xanh”, https://www.pace.edu.vn.
Thiên Hương