* Vai trò
Một là, cấp ủy đảng là chủ thể lãnh đạo. Với tư cách là cơ quan lãnh đạo giữa hai nhiệm kỳ đại hội đảng các cấp, cấp ủy đảng có vai trò lãnh đạo mọi mặt công tác xây dựng Đảng. Trong đó, công tác tư tưởng là cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng Đảng, đồng thời là phương thức lãnh đạo hàng đầu của Đảng.
Hai là, cấp ủy đảng là chủ thể tổ chức thực hiện, trong đó bí thư cấp ủy trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng, chịu trách nhiệm chính về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch.
Ba là, cấp ủy đảng trực tiếp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với các thế lực thù địch, cấp ủy đảng là đối tượng, là trọng tâm chống phá của chúng. Từ kinh nghiệm lịch sử, đặc biệt là sự tan rã của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Đông Âu thập niên 90 của thế kỷ XX cho thấy, không cuộc đấu tranh nào lại hiệu quả và ít tốn kém hơn việc làm cho đối phương, đặc biệt là những người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu tự diễn biến, tự tan rã và sụp đổ. Vì vậy, các cấp ủy đảng ngoài vai trò là chủ thể lãnh đạo, chủ thể tổ chức thực hiện còn phải trực tiếp triển khai các biệp pháp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
* Nhiệm vụ
Một là, mỗi cấp ủy viên, người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy chủ động nâng cao nhận thức lý luận và bản lĩnh chính trị. Ra sức nghiên cứu, học tập lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo và bản lĩnh chính trị, kiên định các mục tiêu của Đảng và nguyên tắc xây dựng Đảng, phấn đấu trở thành hạt nhân lý luận của Đảng, tự tạo ra “sức đề kháng” cần thiết trước quan điểm sai trái thù địch, các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, ngăn ngừa “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiến tới chủ động đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận tư tưởng, lý luận.
Hai là, tiếp tục tổ chức tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp của các tổ chức đảng và của toàn Đảng. Đó là lý luận về thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; việc phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền trong nền chính trị nhất nguyên; những mối quan hệ lớn trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước, giải pháp giải quyết...
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị, nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo ra “sức đề kháng”, “miễn dịch” đối với các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái, thù địch; tạo sự đồng thuận xã hội.
Bốn là, chủ động lãnh đạo, tổ chức thực hiện cuộc đấu tranh về tư tưởng, lý luận và tổ chức lực lượng thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch; kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, lý luận; có chiến lược đấu tranh trên không gian mạng và xây dựng các lực lượng tinh nhuệ trong đấu tranh trên không gian mạng.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác bảo vệ chính trị nội bộ để phát hiện, ngăn ngừa sớm và giải quyết có hiệu quả những vấn đề phát sinh trong công tác tư tưởng, lý luận, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
PV