Đối với quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của văn hóa, văn hóa được hiểu như là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, vừa chịu sự chi phối, quyết định của cơ sở hạ tầng vừa tác động trở lại cơ sở hạ tầng.
Kế thừa và phát triển quan niệm văn hóa này của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng ngày càng nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của văn hóa thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam (năm 1943), các văn kiện của Đại hội VI, Đại hội VIII, Hội nghị lần thứ 10 khóa IX, Hội nghị trung ương 9 khóa XI, Đại hội XII, rồi trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tục có những bổ sung, phát triển khi nói đến vai trò của văn hóa, không những khẳng định vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn nói đến vai trò của văn hóa trong hội nhập quốc tế, văn hóa là đột phá phát triển kinh tế - xã hội.
Đảng luôn bảo đảm sự lãnh đạo đối với văn hóa, đồng thời tôn trọng quyền tự do, dân chủ trong sáng tạo văn hóa. Tính Đảng trong văn hóa theo V.I.Lênin là một nguyên tắc quan trọng, đồng thời Đảng lãnh đạo văn hóa nhưng phải bảo đảm quyền tự do sáng tạo của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, Đảng có sự bổ sung, phát triển so với chủ nghĩa Mác - Lênin trong việc bảo đảm quyền tự do dân chủ trong sáng tạo văn hóa ắn liền với trách nhiệm của văn nghệ sĩ trước dân tộc, thời đại chứ không phải tự do không giới hạn tới mức đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước.
Đảng vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, khẳng định nền văn hóa Việt Nam phải kế thừa những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Điểm sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính là làm rõ mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Những tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh chống lại kẻ địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hiện nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ Đại hội VI, Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống lại âm mưu lợi dụng văn hóa để chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, với tinh thần văn hóa cũng là một mặt trận, phải kiên trì, bền bỉ.
Chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định văn hóa xã hội chủ nghĩa trên cơ sở kinh tế là chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sẽ bảo đảm công bằng trong thụ hưởng các giá trị văn hóa. Đảng ta đã vận dụng tư tưởng ấy và đưa ra chủ trương mọi người dân không chỉ được tham gia vào các hoạt động văn hóa mà còn được quyền thụ hưởng các thành quả, giá trị văn hóa của xã hội. Đồng thời, Đảng cũng dựa trên tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định cần phải quan tâm đến đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và vì vậy, trong suốt 35 năm đổi mới, quan điểm xuyên suốt của Đảng là xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
Tựu trung lại, có thể thấy nhiều nội dung trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay, đang được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, bổ sung, phát triển trong đường lối văn hóa. Và chính đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành tựu trong phát triển văn hóa Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Q.M