Đa dạng văn hóa là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo
Kết thúc Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, trong 3 phiên thảo luận của Hội nghị với những chủ đề khác nhau, phiên thảo luận về "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững" đã nhận được nhiều lượt ý kiến nhất, đồng thời cũng là phiên được các đại biểu dành nhiều thời gian trao đổi nhất (kéo dài vượt dự kiến hơn 1 giờ đồng hồ). Điều này đã cho thấy mối quan tâm rất lớn của các quốc gia trên thế giới đối với vấn đề phát triển văn hoá.
Các đại biểu đều có chung nhận định trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc tôn trọng đa văn hóa để hướng đến phát triển bền vững là cần thiết. Vào tháng 6/2023, Morocco đã chủ trì Diễn đàn Liên tôn giáo, với sự tham gia của đại diện các nền tôn giáo lớn. Việc đối thoại liên tôn giáo, liên văn hóa, thúc đẩy đa dạng văn hóa là rất cần thiết. Đặc biệt, cần hướng tới những người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, những người di cư, thanh niên, người tàn tật.
Hội nghị lần thứ 9 tiếp tục hướng tới đối tượng thanh niên, những chủ thể của tương lai là sự tiếp nối cho mạch nguồn quan điểm cần tôn trọng đa dạng văn hoá của nhau. Các quốc gia cần đoàn kết, tìm ra tiếng nói chung về sự đa dạng trong thống nhất, để sự đa dạng văn hoá trở thành nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như tương lai.
Ngay từ Tuyên ngôn thế giới về đa dạng văn hóa 2001, UNESCO khẳng định, đa dạng văn hóa là tài sản chung quý giá của nhân loại, cần thiết đối với nhân loại như đa dạng sinh học đối với tự nhiên, là khởi nguồn cho giao lưu, đổi mới và sáng tạo.
Tại Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa (Công ước 2005), UNESCO tiếp tục khẳng định, đa dạng văn hóa là một đặc tính của nhân loại, cần được tôn vinh và bảo vệ vì lợi ích của tất cả mọi người. Đa dạng văn hóa là một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững cho các cộng đồng, các dân tộc và các quốc gia, là yếu tố không thể thiếu đối với hòa bình và an ninh ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia
Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An khẳng định, đa dạng văn hóa là nhân tố quyết định sự giàu có và phong phú của nguồn tài nguyên văn hóa, từ đó làm gia tăng cơ hội phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng cho mỗi quốc gia.
Theo ông Trịnh Xuân An, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc; đồng thời, chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển.
Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn. Chính vì ý nghĩa này, việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa sẽ giúp cùng xây đắp một văn hóa phổ quát - văn hóa của sự đa dạng.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng, Quốc hội các nước nên khẳng định vai trò của văn hóa như một trụ cột của phát triển bền vững và thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế. Cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; khẳng định vai trò của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa; phát triển hệ thống các thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
"Cùng đó, khẳng định vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong quá trình giải quyết các khó khăn, thách thức đối với nhân loại hiện nay, đặc biệt là vấn đề biến đổi khí hậu, phòng chống nạn buôn bán, vận chuyển trái phép tài sản văn hóa", ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Đưa văn hóa là một trong những trụ cột trong chương trình phát triển bền vững
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương, tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, nhiều đại biểu đã khẳng định thế giới chúng ta tồn tại trong đa dạng văn hóa, văn hóa chính là nền tảng, động lực cho sự phát triển bền vững, do đó cần tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau về ngôn ngữ, chữ viết, niềm tin, tôn giáo, về những mối quan tâm, rủi ro trong bối cảnh chuyển đổi số.
Để giải quyết các vấn đề chung của toàn cầu, của mỗi quốc gia, bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân tâm đắc với các sáng kiến đưa văn hóa là một trong những trụ cột trong chương trình phát triển bền vững, nghị viện các nước ban hành các chính sách pháp luật về giáo dục, xây dựng con người có văn hóa, nhất là thế hệ trẻ; về thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học cơ bản vì hòa bình, tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, bảo mật thông tin và hướng đến phát triển bền vững; những kiến nghị chính sách về nghệ thuật số, thành phố số, nguyên tắc, thể chế cho công nghệ AI, tăng cường đối thoại trên các lĩnh vực và từng cấp độ để mỗi người, mỗi quốc gia thấu hiểu lẫn nhau và cùng nhau phát triển trong môi trường hòa bình, tin cậy lẫn nhau.
Đồng thời tận dụng công nghệ số để bảo tồn, phát triển và chia sẻ bản sắc, giá trị giữa các nền văn hóa với nhau; có các chương trình đào tạo, bảo tồn văn hóa.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Xuân, các nghị sĩ trẻ trong các nghị viện cần đoàn kết, nỗ lực xây dựng thể chế để tạo ra sự thay đổi tích cực về vấn đề này trong phạm vi quốc gia, khu vực, thế giới.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, văn hóa ngày càng quan trọng trong quá trình phát triển của thế giới. Sau khi chúng ta đã cơ bản vượt qua những nhu cầu cơ bản của con người, đời sống tinh thần dần quyết định chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của con người và cả thịnh vượng của quốc gia. Chính vì tầm quan trọng đó, chúng ta đã thấy sự dịch chuyển trọng tâm chú ý của cả thế giới đối với văn hóa.
Nếu như những năm 1980-1990 của thế kỷ trước, UNESCO phát động thập niên phát triển văn hóa, thì với nhiều tuyên bố, công ước về văn hóa sau đó, đặc biệt là Công ước 2005 của UNESCO về bảo vệ và phát huy các biểu đạt đa dạng của văn hóa, đã thực sự tạo ra đột phá về nhận thức của các quốc gia về vai trò, vị trí của văn hóa trong phát triển đất nước. Bảo vệ chủ quyền văn hóa quốc gia để tạo điều kiện bảo vệ các biểu đạt đa dạng văn hóa, làm nên sức sống của thế giới, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mỗi đất nước.
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 rằng "văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn". Các quốc gia giờ đây tập trung nhiều hơn cho việc bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên bản lĩnh để hội nhập quốc tế tốt hơn.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đã khiến cho tất cả quốc gia đều phải đối mặt với một xã hội số, kinh tế số, công dân số và văn hóa số, ở đó chứa đựng cả cơ hội, thuận lợi và thách thức, khó khăn cho việc bảo vệ các biểu đạt đa dạng của văn hóa.
Đó là lý do Quốc hội các nước đều mong muốn thiết lập hệ thống chính sách, luật pháp để tạo điều kiện, môi trường cho văn hóa phát triển, từ đó đem lại lợi thế cho sự phát triển đất nước trong bối cảnh mới.
Theo Tổ quốc