Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích, sứ mệnh của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp hiểu một cách đơn giản là tập hơn những giá trị, chuẩn mực về niềm tin, hành vi, nhận thức, phương pháp tư duy được các nhân viên trong doanh nghiệp cùng công nhận, suy nghĩ, đánh giá và hành động như thói quen.
Văn hóa doanh nghiệp đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân trong một tổ chức, giúp cho mỗi cá nhân thực hiện đứng vai trò của mình theo định hướng chung của tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp góp phần tạo dựng môi trường làm việc chung để chia sẻ và đồng thuận những giá trị chung, tập hợp và phát huy mọi nguồn lực con người để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp; tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp; tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác.
Các yếu tố quan trọng của của văn hóa doanh nghiệp là sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, cách ứng xử... Nội dung của văn hóa doanh nghiệp được hình thành trong quá trình sản xuất - kinh doanh thực tiễn, thể hiện những nhu cầu, mục đích và phương hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Văn hoá doanh nghiệp được cấu thành bởi 5 yếu tố:
- Hệ thống ý niệm (thế giới quan, nhân sinh quan và xã hội quan): bao gồm tập hợp những khái niệm và biểu tượng mà dựa vào đó các thành viên trong doanh nghiệp lý giải chính mình và giải thích thế giới, đi tìm đạo lý sống.
- Hệ thống giá trị liên quan đến các chuẩn mực cho phép phân biệt thật - giả, đánh giá tốt - xấu, nhận định đúng - sai trong những tình huống hoạt động cụ thể (lý tưởng của doanh nghiệp).
- Hệ thống biểu hiện: bao gồm thể thức, hình thức trình bày, ký hiệu, biểu tượng, nghệ thuật, phong tục tập quá, lễ hội, nhà cửa kiến trúc … mà qua đó các tình cảm, ý niệm bộc lộ ra và có thể cảm nhận một cách cụ thể, tạo nên sự đồng nhất về văn hoá trong doanh nghiệp.
- Hệ thống hoạt động: bao gồm hệ thống các tri thức công nghệ (gồm cả công nghệ quản lý), nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu cho các hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.
- Nhân cách văn hoá doanh nhân (văn hoá người đứng đầu tổ chức, doanh nghiệp)./.
QM