Trả lời: Văn hóa gia đình có thể được hiểu là hệ thống những giá trị, chuẩn mực đặc thù điều tiết mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và giữa gia đình với xã hội, phản ánh bản chất của các hình thái gia đình đặc trưng cho các cộng đồng, các tộc người được hình thành và phát triển qua lịch sử lâu dài của đời sống gia đình, gắn liền với những điều kiện phát triển kinh tế, môi trường tự nhiên và xã hội.
Hệ giá trị văn hoá gia đình bao gồm 2 yếu tố chính: giá trị cấu trúc và giá trị chức năng
Giá trị cấu trúc: là giá trị biểu hiện các mối quan hệ bên trong của gia đình, quan hệ giữa vợ - chồng, quan hệ giũa cha mẹ - con cái, quan hệ giữa anh - chị - em, quan hệ ông, bà - các cháu trong gia đình.
Quan hệ giữa vợ- chồng: Trong gia đình hiện đại, quan hệ vợ chồng được xây dựng trên cơ sở tình yêu chân chính, sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, biểu hiện trong việc lựa chọn vợ hoặc chồng một cách tự do trong tuổi thanh xuân, trong việc tham gia lao động, công việc xã hội, việc đóng góp và hưởng thụ tài sản gia đình, trong việc quyết định những vấn đề chung của gia đình giữa vợ và chồng.
Quan hệ giữa cha mẹ - con cái: Sự thương yêu, sự hy sinh của cha mẹ vì con cái và sự kính trọng, biết ơn và hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ.
Quan hệ giũa anh- chị- em trong gia đình: đây là mối quan hệ trọng yếu thứ ba trong gia đình, quan hệ mật thiết của những người cùng đẳng hệ.
Giá trị chức năng của văn hóa gia đình được xây dựng dựa trên các chức năng của gia đình
Chức năng sinh sản: Văn hoá gia đình quyết định đến thể chất, trí tuệ, tinh thần cuả các thành viên mới được sinh ra, tạo nên ý nghĩa tinh thần cho hoạt động sản sinh con người, niềm vui, hạnh phúc và ý nghĩa đạo đức nhân sinh tái tạo ra con người
Chức năng nuôi dưỡng và giáo dục con cái: Sự hình thành nhân cách của con người bắt đầu từ sự giáo dục gia đình. Trẻ em thường bắt chước người cha hoặc người mẹ mà tập dượt những vai trò của người lớn trong gia đình và ngoài xã hội để sau này lớn lên chúng sẽ đảm nhận.Văn hoá gia đình cũng giữ vai trò môi trường văn hoá để các thành viên gia đình tự hoàn thiện về nhân cách của mình. Nó sẽ quy định trách nhiêm cách hành xử của mỗi người trên cơ sở vị thế tự nhiên của họ trong gia đình.
Chức năng thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình: Một gia đình hoà thuận, êm ấm, biết kính trên nhường dưới, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà, thờ cúng tổ tiên... là một niềm hạnh phúc, là cái nôi thân yêu che chở cho mỗi người. Trong xã hội hiện đại, gia đình là nơi giải toả áp lực cho cá nhân, văn hoá gia đình là biện pháp tốt nhất đem lại sự thanh thản cho họ.
Chức năng kinh tế: Chức năng này đảm bảo sự tồn tại và phát triển của gia đình và toàn xã hội, thoả mãn các nhu cầu vật chất và tinh thần của gia đình. Văn hoá gia đình giữ chức năng định hướng tiêu dùng, có tác dụng kìm hãm nhu cầu tiêu dùng không chính đáng và kích thích nhu cầu tiêu dùng tích cực, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh tế của gia đình, xã hội và sự giao lưu hàng hoá xã hội.
Văn hoá gia đình góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội ( dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp..). Nó lưu giữ, bảo tồn các giá trị, chuẩn mực văn hoá truyền thống của các cộng đồng trong đời sống gia đình. Với tư cách là một nhóm xã hộ, một xã hội thu nhỏ, gia đình vừa chịu sự tác động của xã hội, vừa tác động lại xã hội. Mỗi cá nhân đều bắt đầu từ gia đình, văn hoá gia đình. Văn hoá cá nhân, văn hoá gia đình và văn hoá xã hội có mối quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẻ với nhạu/.
Quang Minh