Khi đưa ra luận diểm này, Tổng Bí thư lưu ý Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành và mỗi người cần nhận thức đúng đắn về mục tiêu văn hóa của sự phát triển, về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa, con người trong phát triển bền vững; hoặc gián tiếp đề cập đến sự thẩm thấu của văn hóa vào sự phát triển của từng lĩnh vực thông qua lòng yêu nước, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, đạo đức làm người, tình yêu thương con người…(văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong xã hội) thể hiện ở những chiều cạnh sau:
Tổng Bí thư đã chỉ rõ cấu trúc của văn hóa gồm văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể, văn hóa cá nhân, văn hóa cộng đồng; và bản chất của văn hóa là tính sáng tạo, tính giá trị, tính nhân văn để đường lối, chính sách và hành động của Đảng, Nhà nước và mỗi người trên mọi lĩnh vực phải bảo đảm tính văn hóa của nó. Chỉ có như vậy tính định hướng xã hội chủ nghĩa – xã hội tốt đẹp, nhân văn của Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân mà Đảng và Nhân dân ta đồng thuận xác định và quyết tâm xây dựng mới trở thành hiện thực.
Theo Tổng Bí thư, để văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội trong phát triển, Tổng Bí thư chỉ rõ những yêu cầu cần phải nhận thức đúng, sâu sắc, phát huy hiệu quả vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa và sự đóng góp của văn hóa vào sự phát triển toàn thể của con người, dân tộc, đất nước. “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”. Văn hóa phải là nền tảng tinh thần của xã hội, định hướng cho sự phát triển bền vững của xã hội. Phải làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi chủ trương, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước trên mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội và bản thân chính sách phát triển văn hóa), điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mọi con người.
Tổng Bí thư đã minh chứng về sự quan tâm đến phát triển văn hóa và đề cao sự phát triển lĩnh vực văn hóa của Đảng qua các thời kỳ chính: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa)”, và chủ trương phát triển văn hóa theo ba hướng: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng, “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa”, “xây dựng đời sống mới”; những đóng góp của ngành văn hóa, văn học nghệ thuật với nhiều phong trào thi đua trên các lĩnh vực trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước đã được Đảng ta đánh giá: Nền văn hóa, văn nghệ nước ta xứng đáng đứng vào “Vị trí tiên phong của nền văn hóa văn nghệ chống đế quốc, phong kiến trên phạm vi toàn thế giới trong thời đại ngày nay”.
Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của sự chưa tương xứng của lĩnh vực văn hóa:“văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ…; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất”…“Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta”.
Tổng Bí thư nhấn mạnh mục tiêu làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển phải trở thành phương châm hành động trong thực tế của công cuộc phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện nay.
Đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần, bồi dưỡng đời sống tâm hồn, tình cảm, trí tuệ ngày càng cao của con người, xã hội, khắc phục tình trạng “văn hóa phát triển chưa tương xứng”, chưa đủ sức tạo ra “cú hích đủ mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng con người và môi trường văn hóa xã hội chủ nghĩa lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, các tệ nạn và tiêu cực xã hội”, mà còn là nguồn vốn, nguồn lực trực tiếp cho phát triển kinh tế, xã hội.
Luận điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, “phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một phương thức căn bản, khoa học, cách mạng - sự gắn kết giữa các lĩnh vực trong chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước; là sự bổ sung, phát triển, nâng lý luận và cách hành xử cụ thể, thực tế về xây dựng và phát triển văn hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế lên tầm cao mới, để đất nước phát triển nhanh, bền vững, vì hạnh phúc của Nhân dân./.
ĐTH