"Văn hóa phản cách mạng", khái niệm được Tổng Bí thư Trường Chinh đề cập lần đầu năm 1948, là những sản phẩm văn hóa độc hại, ẩn chứa nội dung phản khoa học dưới lớp vỏ tinh vi. Qua thời gian, "văn hóa phản cách mạng" không ngừng biến đổi, len lỏi vào đời sống, âm thầm phá hoại nền tảng tinh thần của dân tộc, đòi hỏi cần có sự nhận diện, đấu tranh và ngăn chặn kịp thời.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Cụm thuật ngữ mang tính nhận diện “văn hóa phản cách mạng” xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hóa Việt Nam” - báo cáo của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai ở Việt Bắc, tháng 7 năm 1948, và sau đó được giới nghiên cứu xem như một tác phẩm lý luận văn hoá. Trong báo cáo này, chúng ta có thể hiểu “văn hóa phản cách mạng là nội dung phản khoa học đi đôi với hình thức khoa học, nội dung nghèo nàn được che đậy dưới những hình thức phong phú, tế nhị, tinh vi”[1] để đạt được mục đích: “che đậy những chỗ xấu xa của xã hội cũ, cốt chế biến sự thật và tô điểm trên tấm gỗ mọt của xã hội cũ một nước sơn bóng nhoáng. Văn hóa phản cách mạng là văn hóa sợ sự thật như con cú sợ ánh sáng mặt trời”[2].
Như vậy, tính chất “phản cách mạng” được ngụy trang dưới lớp vỏ của “hình thức khoa học’ đã được các thế lực thù địch sử dụng từ rất sớm và cho đến hôm nay, chiêu bài đó vẫn được áp dụng theo những hình thức “phong phú, tế nhị, tinh vi” hơn. Nghĩa là, mục tiêu tiến công trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa của các thế lực thù địch không hề thay đổi, song để đạt được mục tiêu đó, chúng đã và đang sử dụng những chiêu thức mới, tiếp cận theo hướng quan hệ “mềm dẻo”, thân thiện hơn, hợp tác toàn diện, thâm nhập sâu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nói chung và đời sống văn hóa nói riêng để thực hiện âm mưu mới là “xâm lăng văn hóa”.
Từ đó, chúng tập trung có chủ đích vào việc truyền bá các sản phẩm văn hóa ngoại lai, phi văn hóa, phản nhân văn… nhằm kích thích tâm lý, lối sống thực dụng, sa đọa...; làm lệch chuẩn các giá trị văn hóa, đạo đức nhân ái, nhân văn trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ… Mục tiêu thâm độc của chúng trong việc thực hiện "xâm lăng văn hóa" là tiêm nhiễm làm xói mòn văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó chuyển dần sang lĩnh vực chính trị, hình thành ý thức chống đối về chính trị nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, để thúc đẩy nhanh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta.
Sự chuyển hóa từ “văn hóa phản cách mạng” kiểu cũ đến “văn hóa phản cách mạng” kiểu mới, dù có thay đổi về phương thức, biện pháp thực hiện như thế nào đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của chúng vẫn là phủ nhận tính giai cấp, tính Đảng của văn hóa nghệ thuật, cổ xúy chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa cơ hội; bôi xấu, hạ bệ những tác phẩm đỉnh cao chứa đựng sâu sắc tính nhân văn, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của cách mạng Việt Nam. Đáng lo ngại là gắn liền với xu hướng đó, đã có một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân có biểu hiện nhận thức lệch lạc về các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chạy theo lối sống phương Tây; thương mại hóa các hoạt động văn hóa một cách thái quá, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba ngày 24-11-2021, bên cạnh chỉ đạo "chấn hưng, phát triển văn hóa của đất nước" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định thì chúng ta vẫn phải đối diện với những sản phẩm “văn hóa phản cách mạng”. Trong khi những cái đẹp, cái tốt, những cái chân- thiện- mỹ chưa được cổ vũ kịp thời và thường xuyên, chưa được tiếp sức đủ mạnh mẽ và liên tục, thì vẫn còn không ít những tác phẩm, công trình đi chệch hướng, tuyên truyền cho cái xấu, cái lệch chuẩn, cái lạc hậu, sự lai căng văn hóa… không chỉ tác động đến tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của công chúng mà còn gây rối lòng dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm suy giảm lòng tin của các tầng lớp nhân dân vào thể chế chính trị và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Do vậy, đối diện với các sản phẩm “văn hóa phản cách mạng” nếu không có phương thức gạn đục, khơi trong sẽ không chỉ tạo nên sự kệch cỡm phản cảm trong ứng xử văn hóa mà sâu xa hơn là bị tác động, bôi đen dẫn nhập vào tư tưởng, suy nghĩ của con người, gây những tác động lớn về nhận thức chính trị. Không ít người vì thế đã sa ngã, quay lưng lại với truyền thống văn hóa, đánh mất nhân phẩm, cốt cách con người Việt, dân tộc Việt.
Để kết thúc bài viết, tác giả xin dẫn thêm nhận định: “Người ta nói văn hóa là một cái gì cao quý, vượt lên trên mọi giai cấp, mọi khuynh hướng chính trị, chỉ biết phục vụ cho loài người, cho lý tưởng thuần túy. Có đúng thế không? Không! Trong xã hội phân chia giai cấp, không thể có văn hóa ( đặc biệt là văn học, nghệ thuật) không khuynh hướng. Sáng tác văn nghệ nào cũng bao hàm một thái độ xã hội nhất định”[3]. Vâng, mỗi tác phẩm của văn nghệ sĩ mang “một vẻ đẹp, một bông hoa, một tia sáng” hay trở thành “sự tăm tối, một liều thuốc độc với bạn đọc” thì “suy cho cùng chỉ có “ánh sáng lương tri” tỏa ra từ tác phẩm mới có thể trường tồn cùng thời gian”[4]. Chắc chắn bóng ma của “văn hóa phản cách mạng” sẽ chưa mất đi và còn tồn tại trong thời gian tới nên việc khơi dậy “ánh sáng lương tri” để đưa công chúng về phía ánh sáng, góp phần đẩy lùi bóng tối là công việc cấp thiết của tất cả chúng ta.
[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa văn nghệ, Nhà xuất bản Văn hóa, Hà Nội, 1976, tr.148.
[2] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa văn nghệ, Sđd, tr.148.
[3] Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam: Về Văn hóa văn nghệ, Sđd, tr.149.
[4] Nguyễn Quang Thiều, https://vanvn.vn/thai-do-song-cua-van-nghe-si-gop-phan-lam-nen-tac-pham-gia-tri/