Ở nhiều quốc gia, công nghiệp du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, nếu được khai thác, phát triển hợp lý, sẽ góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế và phúc lợi cho nhân dân. Theo đánh giá của tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), hoạt động du lịch ngày càng có tác động quan trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và môi trường trên phạm vi toàn cầu.
Biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội văn hóa người Mông bản Cát Cát (Lào Cai). Ảnh: Ngọc Bằng
Tiềm năng phát triển du lịch miền núi phía Bắc
Trong điều kiện khó khăn về giao thông, trình độ dân trí, nguồn vốn đầu tư thì du lịch là một trong những nguồn lực vàng để phát triển kinh tế, xã hội của miền núi phía Bắc. Việc phát triển miền núi phía Bắc trở thành vùng du lịch đặc trưng, điểm đến có thương hiệu với những trải nghiệm đặc sắc về văn hoá, lịch sử và sinh thái cảnh quan hùng vĩ, đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.
Miền núi phía Bắc được thiên nhiên ưu ái ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ, độc đáo về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan, hệ sinh thái, nhiều phong cảnh đẹp như Cao nguyên đá Đồng Văn, đỉnh Phan Xi Păng, đèo Mã Pí Lèng, Pha Đin, hồ Pa Khoang, hồ sông Đà, thác Bà, hang Pác Bó, động Ngườm Ngao… Ngoài tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, miền núi phía Bắc còn gắn với những giá trị hào hùng về lịch sử dựng nước và giữ nước: di tích đền Hùng, Điện Biên Phủ, Chiến khu Tân Trào, ATK Định Hoá… đã làm cho miền núi phía Bắc có giá trị đặc biệt hấp dẫn du khách.
Nhưng điều đặc sắc nhất để thương để nhớ cái chất vàng mười nơi đây chính là con người và nền văn hoá bản địa. Nơi đây hiện có hơn 32 dân tộc anh em sinh sống với một không gian văn hoá rộng lớn như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, La Ha, Xinh Mun, Lào, Lự, Hà Nhì, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy… với nhiều nét sinh hoạt truyền thống, lễ hội phong phú, đặc sắc, phản ánh sinh động lịch sử dân tộc và đời sống tâm linh, tư tưởng cũng như bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Miền núi phía Bắc cũng nổi tiếng với nhiều điệu múa, điệu hát: múa sạp, xoè, khèn, hát then, hát lượn… mang đậm bản sắc văn hoá tộc người. Văn hoá ở khu vực này còn hội tụ trong các sản phẩm thủ công độc đáo, chợ phiên vùng cao, lễ hội đặc sắc như Lồng tồng, chợ tình Khâu Vai… Đặc biệt, miền núi phía Bắc có hai di sản văn hoá phi vật thể của thế giới là hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những sinh hoạt truyền thống của nền văn hoá đặc sắc đa dân tộc cùng với các di tích lịch sử làm cho nơi đây hấp dẫn du khách đến tìm hiểu, thưởng ngoạn.
Trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc miền núi phía Bắc, các lễ hội là một phần rất quan trọng như lễ hội cấp sắc (Dao), gầu tào (Mông), nhảy lửa (Pà Thẻn), lồng tồng (Tày), cúng thần rùng (Giáy, Nùng)… Trong đó, lễ hội cấp sắc, gầu tào được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Ngoài ra, còn phải kể đến những lễ hội đặc sắc khác góp phần làm nên hương sắc nơi đây. Lễ hội Kin Pang Then của người Thái trắng ở Phong Thổ, Lễ hội Hoa Ban của người Thái, Lễ hội Căm Mường là lễ hội mùa xuân của người Lào ở Lai Châu Hội bắt cá của người Kháng diễn ra vào dịp 5/3 âm lịch tại huyện Than Uyên. Các lễ hội ở Tuyên Quang: nhảy lửa Pà Thẻn, cầu mùa, chắn cửa trong đám cưới của đồng bào Sán Dìu, hát sình ca của người Cao Lan… Hoà Bình cũng là điểm hấp dẫn du khách với những lễ hội diễn ra quanh năm: cồng chiêng, chùa Tiên, khai hạ Mương Bi, Đền Bờ, Xên Mường…
Ngoài ra, đến với miền núi phía Bắc là đến với chợ phiên của các tộc người như Mường Hum, Y Tý (Bát Xát), Cốc Ly, Bắc Hà, Lùng Phình (Bắc Hà), Cán Cấu (Si Ma Cai)… Chợ phiên vùng cao đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Riêng chợ vùng cao Bắc Hà còn được tạp chí du lịch Serendib (Sri Lanka) xếp là 1 trong 10 phiên chợ nổi tiếng nhất Đông Nam Á. Nơi đây có khu dành riêng cho người bản địa bày bán, giới thiệu các sản phẩm độc đáo như rượu ngô Bản Phố, thắng cố ngựa, phở chua… Đặc biệt, lễ hội chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc) không chỉ là nơi giao lưu gặp gỡ của người dân bản địa, mà đã trở thành một nét văn hoá đặc biệt hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tham gia. Đối với đồng bào vùng cao, chợ không chỉ là nơi thông thương, mà còn là đầu mối, điểm hội tụ của những sinh hoạt văn hoá cộng đồng. Có thể nói, chợ tình đã kết tinh trong đó quan niệm sống cùng những tinh hoa văn hoá, phong tục tập quán đặc sắc của đồng bào thiểu số các dân tộc như Dao, Mông, Nùng…
Bên cạnh những nét đặc sắc của các lễ hội, phiên chợ, miền núi phía Bắc còn được biết đến bởi nhiều điệu múa đặc sắc: xoè là đặc sản nghệ thuật múa Thái, trở thành biểu tượng văn hoá miền núi phía Bắc. Nếu người Thái duyên dáng trong các điệu múa xoè, thì người Mông nổi tiếng với những điệu múa khèn, đá chân hùng dũng của nam giới; người Khơ Mú và Xinh Mun lại có điệu múa lắc mông, lượn eo. Còn điệu tăng bu (dỗ ống) là sở hữu của người La Ha, người Mường có múa bong… Riêng điệu múa xạp, trừ người Mông, thì dân tộc nào trong vùng cũng có, mỗi nơi một vẻ riêng. Có thể xem nghệ thuật múa dân tộc là nét đặc trưng của miền núi phía Bắc. Dường như, có một sở thích âm nhạc chung cho hầu hết các dân tộc miền núi phía Bắc mà ít thấy ở các vùng khác. Đó là hệ nhạc cụ hơi, có lưỡi gà bằng tre, đồng, bạc. Nếu sưu tầm và gộp chung lại thì có đến vài chục loại hình thuộc hệ nhạc cụ này như pí pặp, khèn bè Thái, sáo và khèn Mông… Ngoài ra, mỗi dân tộc lại có nhạc cụ riêng như cây tính tảu (Thái), đống ôi (Mường), chưn may (Khơ Mú), đàn tròn và ba dây (Hà Nhì)…
Lễ hội Lồng tồng. Ảnh: Internet
Nét chung trong văn hoá miền núi phía Bắc là sở thích trang trí trang phục, chăn màn, đồ dùng… Đến với các lễ hội, phiên chợ miền núi phía Bắc, ta như lạc vào thế giới màu sắc của những đồ trang trí, trang phục, đồ dùng… Với các sắc độ của nhiều gam màu như màu đỏ, vàng tươi, vàng đất, vàng rơm, da cam, tím, xanh da trời tươi… Hoạ tiết, bố cục, phối màu trang trí rất phong phú. Một chiếc khăn piêu Thái, bộ nữ phục Mông, Lô Lô, Dao đỏ, chăn Mường, màn Kháng… cũng làm nên những ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Dù giữa các dân tộc có nhiều nét chung trong sinh hoạt văn hoá, nhưng cũng không làm mất đi bản sắc riêng văn hoá của từng dân tộc miền núi phía Bắc.
Một số đề xuất
Trong bối cảnh giao lưu hội nhập, sự phát triển của mỗi quốc gia phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng phải xuất phát từ nội lực. Nguồn lực để phát triển du lịch miền núi phía Bắc chính là sự phong phú, độc đáo của văn hoá tộc người. Việc phát huy bản sắc dân tộc là phương thức bảo tồn, giúp các loại hình nghệ thuật truyền thống được gìn giữ và truyền bá rộng rãi trong cộng đồng nhân dân. Các công ty du lịch, chính quyền, các cơ quan quản lý du lịch nên chủ động hợp tác, thực hiện khảo sát các tuyến điểm du lịch mới, thậm chí phải đặt hàng khôi phục những nét văn hoá truyền thống, mời nhân dân tham gia vào các chương trình. Cần xây dựng chủ trương mỗi bản làng một sản phẩm, mỗi địa phương một chương trình. Có như vậy, người dân địa phương mới đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển du lịch.
Du lịch miền núi phía Bắc đang trong giai đoạn đầu phát triển nên cần định hướng quy hoạch, đầu tư, hỗ trợ của chính phủ, nhất là sự hỗ trợ liên kết, đầu tư hạ tầng để tạo đà cho phát triển kinh tế. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng góp phần tôn vinh giá trị văn hoá, quảng bá hình ảnh và giúp thế giới biết đến miền núi phía Bắc như một địa bàn sở hữu nhiều di sản văn hoá với vẻ đẹp độc đáo.
Một trong những giải pháp để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch miền núi phía Bắc là sự liên kết các điểm du lịch nhằm tạo lập tầm nhìn và nguồn lực chung cho việc thực hiện những nhiệm vụ chung theo nhóm các tỉnh có nhiều yếu tố tương đồng hoặc trên cùng tuyến du lịch như Cao Bằng – Bắc Kạn – Lạng Sơn, Thái Nguyên – Tuyên Quang – Hà Giang, Phú Thọ – Yên Bái – Lào Cai, Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên – Lai Châu, Lai Châu – Lào Cai – Hà Giang, Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, Hoà Bình – Thanh Hoá – Nghệ An… Các khu, điểm du lịch quốc gia được kết nối với các trung tâm dân cư, đô thị hình thành các tuyến du lịch của vùng. Liên kết du lịch chính là hướng đi quan trọng để khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh của từng vùng, địa phương, thôn bản, biến các giá trị thiên nhiên, văn hoá thành sức mạnh tổng hợp hướng tới phát triển ngành du lịch một cách bền vững và lâu dài.
Đào tạo nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch. Cần phải có chiến lược đào tạo đội ngũ làm du lịch chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng để nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng phong phú các đối tượng du khách khác nhau.
Gắn văn hoá với du lịch là một chiến lược quan trọng của các tỉnh trong vùng, vừa để bảo lưu, giữ gìn bản sắc vừa mang lại nguồn thu nhập cho bà con đồng bào còn nhiều khó khăn. Vì vậy, sự nhận thức và quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền là chìa khoá khai mở một vùng đất giàu tiềm năng và đầy sự huyền bí – Miền núi phía Bắc.
ĐTT