Định hình những dự án tỷ đô
Một ngày đầu tháng 1, chúng tôi trở lại nam Vân Phong thăm dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa). Sau hơn 1 năm triển khai, dự án đã đi được một chặng đường dài. Đứng trên đài quan sát đã nhìn thấy những nền móng ban đầu của nhà máy nhiệt điện có tổng vốn lên tới 2,58 tỷ USD. Trên công trường, đội ngũ thi công rất khẩn trương.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vân Phong (chủ đầu tư dự án) cho biết, đến hết tháng12-2020, các đơn vị đã thi công đạt 22,9% khối lượng công việc của toàn dự án. Theo kế hoạch, cả 2 tổ máy với tổng công suất 1.320MW sẽ được hoàn tất xây dựng và đi vào vận hành thương mại trong năm 2023. Mỗi năm, nhà máy dự kiến cung cấp cho hệ thống lưới điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng cho khu vực miền Nam. Nhà đầu tư cũng dự tính sẽ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 2 (3.000MW) bằng điện khí.
Ông Hoàng Đình Phi - Trưởng ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết, mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản trình Bộ Công Thương nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển điện quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, gồm 4 địa điểm để xây dựng dự án điện khí tại khu vực nam Vân Phong. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề xây dựng các dự án kho chứa khí hóa lỏng, điện khí ở khu vực này.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Millenium (Hoa Kỳ) xin đầu tư dự án kho cảng chứa khí hóa lỏng và nhà máy điện khí 14.400MW ở xã Ninh Phước với tổng vốn đầu tư lên đến 15 tỷ USD. Tổng Công ty Điện lực Nhật Bản (J-Power) dự kiến đầu tư dự án điện khí 3.000MW tại Khu Công nghiệp Ninh Thủy với tổng đầu tư khoảng 3,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum (Hoa Kỳ) xin đầu tư nhà máy điện khí 6.000MW và kho cảng khí hóa lỏng 6 triệu tấn/năm với tổng diện tích 300ha. Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Thương mại Tuấn Dung và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đặt vấn đề triển khai các dự án điện khí và công nghiệp phụ trợ…
Nhà máy Đóng tàu Hyundai Việt Nam. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Nếu các dự án này triển khai sẽ hình thành nên khu vực phát triển công nghiệp nặng ở nam Vân Phong với các ngành chủ chốt: Năng lượng, lọc hóa dầu, đóng tàu.
Đi khảo sát các địa điểm được “chấm” để làm điện khí, ông Nguyễn Khắc Định - Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa hy vọng sự khởi sắc của nam Vân Phong sẽ sớm lan tỏa ra toàn khu vực, đặc biệt là ở bắc Vân Phong - nơi còn nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có “thiết kế” mới cho Vân Phong với tầm nhìn dài hạn.
Sẽ là vùng kinh tế trọng điểm, động lực
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương (từng là cố vấn về kinh tế và tiền tệ cho Ủy ban Ngân hàng Quốc hội Hoa Kỳ) cho biết, từ đầu thập niên 90, ông đã tháp tùng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đi khảo sát khu vực vịnh Vân Phong, các đảo và khu vực xung quanh trên biển, trên không từ trực thăng. Lúc ấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các chuyên gia trong và ngoài nước đã đánh giá rất cao tiềm năng phát triển kinh tế của Vân Phong, nhất là tiềm năng làm du lịch và cảng nước sâu, xem đây là “của để dành” cho thế hệ mai sau.
Tiềm năng của Vân Phong vô cùng lớn. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành hiện thực là cả một chặng đường dài, cần tầm nhìn lớn lao. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở về việc làm gì để đưa Vân Phong “cất cánh”. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, sự phát triển của Khu Kinh tế Vân Phong vẫn chưa được như kỳ vọng. Chính vì vậy, ở giai đoạn này, lãnh đạo tỉnh quyết tâm biến tiềm năng thành hiện thực với những đột phá táo bạo hơn.
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Để Vân Phong vươn mình cần phải có một quy hoạch tầm cỡ quốc tế với hàm lượng chất xám cao, cùng với cơ chế chính sách thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch... để thu hút các nhà đầu tư lớn, đẩy nhanh sự phát triển của cả khu vực”.
Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Sĩ Chương cho rằng, để khai thác tốt tiềm năng của Khu Kinh tế Vân Phong phải có quy hoạch tốt để giảm thiểu sự xung đột giữa phát triển công nghiệp và dịch vụ du lịch; trong việc phát triển công nghiệp phải ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao để tạo ra giá trị hàng hóa lớn, giảm thiểu tối đa việc ảnh hưởng đến môi trường. Để làm được điều này, Khánh Hòa nên giao cho đơn vị có kinh nghiệm vận hành các khu kinh tế lập quy hoạch, bởi kinh nghiệm cho thấy chính họ sẽ thuyết phục, thu hút các nhà đầu tư thay cho chính quyền sở tại.
Thật trùng hợp khi những kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, những gợi ý của các chuyên gia đã gặp được nguyện vọng của một người con xứ Trầm Hương - ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - Imex Pan Pacific (IPPG). Theo đó, ông Hạnh Nguyễn đã tài trợ khoảng 5 triệu USD thuê Tập đoàn KPMG (Hàn Quốc) xây dựng quy hoạch mới cho Vân Phong.
Cầu tàu Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Ảnh: Báo Khánh Hòa
Ở đồ án “thiết kế” mới này, Vân Phong dự kiến sẽ có những dự án phức hợp: Casino, sân golf, khu phi thuế quan, logistics, quần thể du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó có cảng du lịch để các tàu lớn nhất trên thế giới có thể ghé thăm. Đặc biệt, ông Hạnh Nguyễn có ý tưởng xây dựng ở Vân Phong khu dân cư công nghiệp công nghệ cao. Khu phức hợp này sẽ có cơ sở giáo dục, y tế, hạ tầng xã hội hiện đại, thông minh.
Khi triển khai quy hoạch (nếu được thông qua), ông sẽ kêu gọi các nhà đầu tư chuyên nghiệp để triển khai các phân khu, dự án có hiệu quả. Người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án sẽ được tái định cư với cơ sở hạ tầng và đời sống tốt nhất.
Trong chuyến khảo sát nam Vân Phong mới đây, ông Nguyễn Khắc Định cho biết, Tỉnh ủy vừa thông qua Nghị quyết về phát triển Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, Tỉnh ủy đặt mục tiêu xây dựng Vân Phong thành khu kinh tế ven biển đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành khu vực kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng đề án cơ chế chính sách đặc thù Khu Kinh tế Vân Phong; triển khai các kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu thu hút dự án đầu tư lớn mang tính động lực vào khu kinh tế; tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao quỹ đất sạch, bảo đảm tiến độ các dự án trong khu kinh tế…
“Điều chỉnh Quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong có tính đột phá nhưng phải đảm bảo phát triển bền vững. Quan trọng không kém, chúng ta phải tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút nhà đầu tư; tận dụng tất cả các nguồn lực của xã hội để sớm xây dựng Vân Phong thành khu kinh tế động lực của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ”, ông Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Giai đoạn 2016 - 2020, Khu Kinh tế Vân Phong đã thu hút mới 42 dự án (33 dự án trong nước, 9 dự án có vốn đầu tư nước ngoài) và điều chỉnh tăng vốn cho 14 dự án với tổng vốn đăng ký 66.045 tỷ đồng; vốn giải ngân được 18.274 tỷ đồng. Thu ngân sách trên địa bàn Khu Kinh tế Vân Phong được 20.950 tỷ đồng, chiếm khoảng 26,6% của tỉnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy đặt mục tiêu thu hút vốn đăng ký đầu tư mới vào Khu Kinh tế Vân Phong tối thiểu được 150.000 tỷ đồng, vốn giải ngân tối thiểu được 75.000 tỷ đồng. Đóng góp ngân sách trên địa bàn khu kinh tế chiếm 30 - 40%, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 40% của tỉnh; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động./.
Theo Báo Khánh Hòa