Chủ nghĩa Mác là học thuyết vĩ đại về sự giải phóng và phát triển con người, chỉ ra cho giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ con đường và biện pháp hiện thực để tự giải phóng khỏi ách áp bức, bóc lột, bất công, xây dựng một chế độ xã hội mới – xã hội cộng sản chủ nghĩa mà ở giai đoạn thấp là xã hội xã hội chủ nghĩa. Với thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917, chủ nghĩa xã hội từ một học thuyết trở thành một chế độ xã hội hiện thực.
Đảng Cộng sản Việt Nam kiện định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng đã vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng.
Trước hết, Đảng chỉ ra những đặc trưng mới của chủ nghĩa xã hội. Trên cơ sở những nguyên lý chung mà C.Mác và Ph.Ăngghen nêu ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề xuất nhiều tư tưởng mới về chủ nghĩa xã hội, thể hiện ở 06 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991) và được bổ sung thành 08 đặc trưng tại Cương lĩnh năm 2011.
Mới đây, trong bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hộivà con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi mở cách tiếp cận mới và thực chất về chủ nghĩa xã hội Việt Nam,với nhiều quan điểm mới về đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta cần phải tiếp thu, kế thừa, làm sâu sắc thêm. Đó là sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; là hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân….
Đảng đã nhận thức sâu sắc hơn và bổ sung các mối quan hệ lớn (chủ yếu) – những vấn đề có tính quy luật của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là 05 mối quan hệ lớn được Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào nhận thức và giải quyết trong giai đoạn 1986-1996; các mối quan hệ lớn được gắn với nhận thức trong tổng thể các vấn đề lớn trong giai 1996-2006, như: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đặc biệt, giai đoạn này Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhận thức mới về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển văn hóa; quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; đề ra nhiệm vụ phát triển văn hóa với tư cách nền tảng tinh thần của xã hội.
Trong giai đoạn 2006 - 2011 việc nhận thức các mối quan hệ được thể hiện đầy đủ và ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn trong tổng thể lý luận về chủ nghĩa xã hội, trong mối quan hệ hữu cơ chặt chẽ giữa lý luận về đổi mới tư duy chủ nghĩa xã hội và lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng đã xác định, để nhận thức đúng và giải quyết tốt với 8 mối quan hệ lớn nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), được bổ sung mối quan hệ lớn thứ 9 trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2016) và bổ sung mối quan hệ lớn thứ 10 trong Văn kiện Đại hội XII của Đảng (năm 2021). Đảng khẳng định đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn; đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng và đầy đủ, quán triệt sâu sắc và thực hiện thật tốt, có hiệu quả. Tuyệt đối không được cực đoan, phiến diện.
Sự phát triển nhận thức nêu trên góp phần hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; tạo ra động lực của đổi mới và phát triển toàn diện đất nước trong thời kỳ mới, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong thời đại mới.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia - dân tộc, tạo thành nguồn năng lượng nội sinh to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Điều đó càng thể hiện rõ đối với Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết, văn hiến, anh hùng, có tiến trình hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.
Về phương thức xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng xác định “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng cầm quyền vững mạnh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin.
Việc xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền là vấn đề lý luận và thực tiễn mới, sâu sắc mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin. Đảng cầm quyền là khái niệm đã được V.I.Lênin nêu ra trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô những năm đầu Thế kỷ XII. Tuy nhiên, trước những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có sự sự bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận Mác – Lênin về xây dựng Đảng cầm quyền, xác định “công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”.
Một sáng tạo mang tính đột phá của Đảng là xây dựng lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo CMác và Ph.Ăngghen cho rằng, một nền sản xuất có kế hoạch sẽ góp phần khắc phục được những khuyết tật của kinh tế thị trường trong chủ nghĩa tư bản.. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có vai trò đặc biệt là tổ chức, quản lý, chi phối các tư liệu sản xuất và sản phẩm thặng dư, đảm bảo mục tiêu nền sản xuất phục vụ lợi ích và sự giàu có chung.
Có thể C.Mác và Ph.Ăngghen không phủ nhận kinh tế thị trường nói chung khi các ông đã đề cập đến dòng chảy của công nghệ và tư bản mà không sức mạnh nào ngăn cản được. C.Mác là người đầu tiên nhìn thấy khả năng thế giới trở thành một thị trường toàn cầu không bị giới hạn bởi các đường biên giới quốc gia. Nhưng, thực tiễn vận động của kinh tế thị trường hiện đại làm xuất hiện những điều mà C.Mác và Ph.Ăngghen chưa thể dự liệu được.
Trong xu thế phát triển của thế giới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra nhiều tư tưởng mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam như bước chuyển đổi đặc thù trong tiến trình phát triển chung của nhân loại từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và kinh tế tri thức. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam có đặc trưng cơ bản về mục đích, về sở hữu, về kết cấu kinh tế, về phân phối, về cơ chế vận hành của nền kinh tế, về phương tiện, công cụ, động lực. Nếu trước đây, ở Việt Nam chỉ có kinh tế nhà nước, thì hiện nay, kinh tế kinh tế tư nhân được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây được coi là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất; huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Vấn đề quan trọng là, chủ thể của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở phát huy mọi tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chế độ kinh tế. Cùng với sự phát triển của đất nước, nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập.
Những thành tựu của công cuộc đổi mới kể trên là là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, kết quả của quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta qua nhiều nhiệm kỳ; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Những thành tựu to lớn qua 35 năm đổi mới đánh dấu một bước tiến chưa từng thấy trên con đường xây dựng, phát triển đất nước, minh chứng thuyết phục cho tính chất ưu việt của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. /.
H.L