Thứ nhất, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với Đảng và Nhà nước.
Trong mối quan hệ này, trước hết cán bộ, công chức phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam XHCN. Ngoài việc xác định nghĩa vụ của cán bộ, công chức là hết lòng phụng sự Tổ quốc, còn phải xuất phát từ vị trí, vai trò của cán bộ, công chức là những người nắm giữ ít nhiều bí mật của Nhà nước để xác định nghĩa vụ gìn giữ, bảo vệ bí mật quốc gia. Tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước; phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách, của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Có tinh thần trách nhiệm cao, tự giác, tận tâm tận lực với công vụ được giao. Nếu thiếu phẩm chất này, thì người cán bộ, công chức sẽ tự biến mình thành “cái máy biết đi” để “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thờ ơ với công việc của cơ quan, đơn vị, thậm chí chây lười, trốn tránh việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Có được sự chí công, vô tư, tính sáng tạo linh hoạt trong hoạt động quản lý nhà nước. Sự sáng tạo, linh hoạt đó phải xuất phát từ “cái tâm” của người cán bộ, công chức và phải trong khuôn khổ pháp luật.
Tuân thủ đầy đủ các quy tắc trong vận hành: Kỷ luật nội bộ trong bộ máy nhà nước. Điều đó có nghĩa, cán bộ, công chức cần có tinh thần chấp hành nghiêm kỷ luật nhà nước.
Có tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, không sử dụng công quỹ, tài sản của cơ quan, của Nhà nước vào những việc mang tính vụ lợi.
Thứ hai, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với nhân dân.
Mỗi cán bộ, công chức đều phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, không được có hành vi cửa quyền, ức hiếp hoặc sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho nhân dân. Cần có nhận thức đúng đắn về bổn phận là công bộc của nhân dân để mỗi cán bộ, công chức nhà nước tự gạt bỏ tư tưởng tự cho mình là người “cai trị”, có quyền “ban phát” cho người dân những thứ thuộc về quyền lợi của họ, từ đó loại bỏ cách hành xử thiếu bình đẳng, thiếu tôn trọng đối với người dân.
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Có như vậy, mới tránh được bệnh quan liêu, hình thức hời hợt trong hoạt động công vụ.
Cán bộ, công chức phải chịu sự giám sát của nhân dân, vừa có vai trò quan trọng trong việc buộc Nhà nước phải xây dựng cơ chế hữu hiệu để nhân dân có thể giám sát hoạt động công vụ; vừa góp phần tạo ra nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò giám sát của nhân dân, từ đó có sự tự giác, chủ động trong việc công khai hóa hoạt động công vụ, tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động công vụ.
Thứ ba, những quy định về hành vi ứng xử của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với đồng nghiệp.
Cán bộ, công chức cần có tinh thần dân chủ, đoàn kết, hợp tác với đồng nghiệp trong việc thực hiện công vụ vì điều đó sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp mọi người có thể khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Cấm cán bộ, công chức thực hiện hành vi gây bè phái, cục bộ trong cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, công chức cần có tinh thần tự giác trong việc chấp hành kỷ luật công vụ. Trung thực trong quan hệ với đồng nghiệp, có tính khiêm tốn, có tinh thần cầu thị.
Thứ tư, những quy định về sự tự thân phấn đấu, rèn luyện của cán bộ, công chức.
Cán bộ, công chức thường xuyên tu dưỡng đạo đức, tác phong, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, kiên định và giữ vững quan điểm, lập trường cách mạng trong quá trình thực thi công vụ.
Tích cực, tự giác học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là trình độ chuyên môn, để nâng cao năng lực công tác, hoàn thành tốt công vụ được giao./.
ĐAT