Trả lời
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đặc điểm nổi bật trong giai đoạn hiện nay của thời đại là các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các nước vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sẽ có những bước tiến mới. Theo quy luật tiến hóa của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”.
Quan điểm trên thể hiện nhận thức của Đảng ta khi cho rằng xây dựng chủ nghĩa xã hội là quá trình lâu dài, khó khăn, phức tạp nhưng tất yếu sẽ thành công.
Trong lịch sử, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, xóa bỏ chế độ áp bức bóc lột nói riêng, quá trình xây dựng chế độ xã hội mới nói chung không diễn ra nhanh chóng, dễ dàng mà rất lâu dài, khó khăn, phức tạp vì nó bao gồm cả sự phủ định chế độ xã hội cũ và xây dựng chế độ xã hội mới và các giai cấp thống trị, bóc lột không bao giờ tự nhường quyền thống trị, lãnh đạo của mình cho các giai cấp khác.
Giai đoạn chuyển biến, cải tạo từ xã hội cũ sang xã hội mới được C.Mác gọi là thời kỳ quá độ - là thời kỳ có sự đấu tranh giữa cái cũ và cái mới, cái tiến bộ và cái lỗi thời, lạc hậu. Cuộc đấu tranh này rất gay gắt, quyết liệt, vì cái mới tuy là tiến bộ nhưng còn non nớt, chưa chiếm vị trí chủ yếu, cái cũ tuy đã lỗi thời về mặt lịch sử nhưng chưa mất đi, vì nó còn bảo vệ cho lợi ích của giai cấp đã lỗi thời, bị lịch sử phủ định, nhất là chế độ cộng sản chủ nghĩa lại đi đến thủ tiêu hoàn toàn áp bức, bóc lột, chế độ tư hữu.
Do vậy, thời gian quá độ ở những giai đoạn lịch sử, với chế độ chính trị khác nhau là khác nhau. Thời kỳ quá độ ở mỗi giai đoạn chuyển biến các hình thái kinh tế - xã hội, mỗi chế độ xã hội không giống nhau. Mỗi bước tiến của nền văn minh, của tiến bộ xã hội sẽ rút ngắn thời gian của thời kỳ quá độ.
Trong lịch sử, mầm mống của địa tô xuất hiện từ thế kỷ I trước công nguyên, nhưng chế độ phong kiến chỉ xác lập được địa vị thống trị, chế độ chiếm hữu nô lệ chỉ chấm dứt 400 năm sau đó.
Giai cấp tư sản lật đổ lật đổ chế độ phong kiến để xác lập địa vị thống trị của mình phải mất gần 300 năm, bắt đầu từ cách mạng tư sản Hà Lan năm 1566, đến tận khi vua Louis thứ XVI lên đoạn đầu đài ở Pháp vào thế kỷ thứ XVIII thì chủ nghĩa phong kiến ở châu Âu về đại thể mới chấm dứt nhưng nó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay ở một số quốc gia trên thế giới.
Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 với sự ra đời của Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu trên trên thế giới đánh dấu thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.
C.Mác viết: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”.
Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong chế độ cộng sản, giai cấp mất đi, nhà nước mất đi, chế độ áp bức, bóc lột bị thủ tiêu, nhưng nó chưa mất đi ngay, ngay cả ở giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội. C.Mác từng lưu ý, việc “xóa bỏ chế độ tư hữu... sẽ kinh qua một quá trình rất khó khăn và lâu dài trong hiện thực”.Do vậy, nếu vội vàng xóa bỏ chế độ tư hữu, bất chấp trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, của văn hóa và văn minh thì chỉ có thể đưa đến một chủ nghĩa cộng sản thô lỗ mà thôi.
Chủ nghĩa xã hội là chế độ xã hội chưa có tiền lệ trong lịch sử nên vừa nhận thức,vừa xây dựng không tránh khỏi những thiếu sót, sai lầm về cách thức, mô hình cụ thể. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu đã cho thấy điều đó.Tuy nhiên cũng cần nhận thấy rõ rằng, đó là sự sụp đổ ở một mô hìnhxã hội chủ nghĩa cụ thể, do những nguyên nhân chủ quan, còn lý tưởng xã hội chủ nghĩa- hướng đến giải phóng và phát triển toàn diện con người - vẫn tồn tại, vẫn định hướng cho nhân loại thực hiện những khát vọng của mình trong tương lai.
Những bước tiến bộ về dân chủ, công bằng, bình đẳng, về văn minh ở Việt Nam đang làm cho chủ nghĩa xã hội ngày một rõ hơn. Bất kỳ nhận thức, tư tưởng nào không thấy được điều này sẽ dẫn đến tả khuynh, hữu khuynh hoặc xét lại chủ nghĩa Mác.
Quang Đặng