Trung tướng, TS Trần Phước - nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần: Chú trọng xây dựng hậu cần nhân dân rộng khắp, vững chắc
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là chủ trương chiến lược của Đảng, nhằm tạo sự đột phá, đưa chiến tranh cách mạng của quân và dân ta phát triển lên một bước mới.
Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, công tác hậu cần phải bảo đảm khối lượng vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật rất lớn cho các lực lượng với nhiều hoạt động tác chiến, trong điều kiện khẩn trương, yêu cầu bí mật nghiêm ngặt, diễn ra đồng loạt, trên không gian rộng.
Mặc dù nhiệm vụ hết sức nặng nề song nhờ chuẩn bị chu đáo, có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ nên công tác hậu cần đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cho các lực lượng tác chiến, nhất là bảo đảm vũ khí, đạn, lương thực, thực phẩm, cứu chữa thương binh cho các đơn vị mũi nhọn tiến công vào các mục tiêu trọng điểm. Ngoài lực lượng hậu cần của các mặt trận, các đơn vị còn có sự đóng góp quan trọng của hậu cần nhân dân, các cơ sở hậu cần bí mật.
Từ kết quả công tác bảo đảm hậu cần trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ngành hậu cần đã rút ra nhiều bài học quý, hết sức giá trị.
Đó là bài học về bám sát chủ trương chiến lược, thực tiễn chiến trường, chủ động chuẩn bị sớm, chu đáo về hậu cần; chú trọng xây dựng, phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân”, thế trận chiến tranh nhân dân, hậu cần nhân dân; kết hợp chặt chẽ hậu cần quân đội với hậu cần nhân dân, hình thành thế trận hậu cần tại chỗ vững chắc trên từng khu vực, hướng chiến trường, địa bàn tác chiến, nhất là địa bàn và mục tiêu trọng điểm...
Trong điều kiện hiện nay, công tác hậu cần cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Đảng và bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Trước hết, cần có chủ trương, giải pháp toàn diện nhằm xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần chiến tranh nhân dân; chủ động chuẩn bị trước một bước về hậu cần; đẩy mạnh xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ; quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, tạo thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc.
Thiếu tướng, PGS. TS Nguyễn Bá Dương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn Quân sự Bộ Quốc phòng: Bước phát triển mới trong học thuyết quân sự Việt Nam
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là cuộc tiến công bất ngờ, có quy mô rộng lớn, cường độ mãnh liệt, tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lần đầu tiên, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của quân xâm lược Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị tiến công; cơ quan đầu não và hậu cứ của chúng bị rối loạn. Đặc biệt, 25 ngày đêm làm chủ TP Huế đã khẳng định sức mạnh của quân và dân ta.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển mới về tầm nhìn, tư duy lý luận của Đảng và trong học thuyết quân sự Việt Nam, để lại nhiều bài học quý về tinh thần quyết chiến, quyết thắng nên vẫn còn nguyên giá trị đối với quân và dân ta hiện nay.
Chúng ta cần vận dụng, phát triển sáng tạo những bài học kinh nghiệm quý báu về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cuộc tổng tiến công vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay;
nhất là quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và giải quyết tốt mối quan hệ giữa đối tác, đối tượng, có giải pháp bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, nhất là vận dụng mềm dẻo, linh hoạt các yếu tố về “thế - lực - thời - mưu”, lựa chọn thời cơ, thời điểm và mục tiêu tiến công, cũng như cách đánh hiểm, táo bạo, bất ngờ vào thẳng sào huyệt kẻ thù, trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc và phương thức ngoại giao “cây tre” của Việt Nam.
Đại tá, PGS. TS Nguyễn Huy Thục - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: Đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của quân, dân ta
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã gây ra một “cú sốc đột ngột”, làm đảo lộn thế bố trí, phá vỡ kế hoạch tác chiến của Mỹ; làm rung chuyển không chỉ toàn bộ chiến trường miền Nam mà còn gây chấn động Nhà Trắng, Lầu Năm góc và toàn bộ nước Mỹ. Nó đã đưa cảnh tượng chiến tranh Việt Nam vào từng gia đình, đến tận phòng họp của Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Với thắng lợi mang tầm chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã làm lay chuyển ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Tổng thống Johnson phải tuyên bố xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Paris.
Sự kiện này là minh chứng khẳng định chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ phá sản, mở ra thời cơ và điều kiện thuận lợi để quân và dân ta hiện thực hóa phương châm chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tiến tới “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thu non sông, đất nước về một mối của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, trước nhất và quan trọng nhất là minh chứng cho thành công trong nghệ thuật tạo bất ngờ đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn cả trên phương diện chiến lược và chiến thuật của ta.
Tựu trung lại, nghệ thuật tạo bất ngờ đối với Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa thực sự là một trong những yếu tố then chốt, cốt lõi góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đây là “sản phẩm đặc biệt” của tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh; là nét đặc sắc đáng ghi nhớ nhất, hấp dẫn nhất của sự kiện đã diễn ra cách đây hơn nửa thế kỷ.
Nguồn QĐND