Ngày 16/2 vừa qua, Lễ hội Chùa Hương, lễ hội lớn nhất miền Bắc chính thức mở lại. Hàng nghìn người đã hành hương về miền đất Phật, bất chấp tiết trời giá lạnh...
Trước đó, với quyết định cho các điểm thờ tự hoạt động trở lại, người dân TP cũng nô nức đi lễ cầu may nhân dịp Rằm tháng Giêng. Sau thời gian dài đóng cửa phòng dịch, người dân đã có thể tới các di tích lịch sử, đền, chùa để đi lễ, tham quan, vãng cảnh.
Bên cạnh niềm vui mùa lễ hội, không khỏi vẫn còn những e ngại về nguy cơ tiềm ẩn dịch Covid-19 lây lan. Chính vì vậy, trong công tác chuẩn bị, các địa phương, cơ quan chức năng luôn coi trọng, nhấn mạnh những yêu cầu về công tác phòng dịch.
Tại văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội về việc tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động tại các di tích năm 2022, Sở VH&TT đề nghị các địa phương căn cứ thông báo cấp độ dịch của TP để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Việc mở cửa đón tiếp khách phải tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL và của TP.
Cụ thể, tất cả các điểm di tích đều phải có mã QR để quản lý người ra, vào và khai báo y tế theo quy định đồng thời bố trí lực lượng hướng dẫn, phân luồng, không để tập trung đông người gây ùn ứ, ách tắc.
Yêu cầu này đã được các Ban quản lý di tích, danh thắng thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn đã lập 8 chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở các lối ra vào. 2 trạm y tế lưu động đã được thiết lập ở Trạm Y tế xã Hương Sơn và khu Bến Trò.
Ngay khi phát hiện du khách có biểu hiện ho, sốt, các triệu chứng nghi mắc Covid-19... du khách sẽ được lực lượng y tế kịp thời đưa đến điểm cách ly và xử lý theo quy định của Bộ Y tế. Các biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện ở hầu hết các điểm di tích lịch sử -văn hóa trên toàn TP như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Tứ trấn Thăng Long, Phủ Tây Hồ… Cùng với biển báo đề nghị du khách thực hiện 5K, nhân viên bảo vệ liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang. Máy rửa tay, máy đo thân nhiệt được bố trí ở tại lối vào các di tích.
Trong khi các biện pháp phòng dịch được quan tâm thực hiện từ phía các cơ quan chức năng thì sự lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện ở chính những người đi hội. Vẫn còn hiện tượng người đi lễ, vãng cảnh không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, bỏ qua khuyến cáo thực hiện 5K của Bộ Y tế. Cần nhắc lại là dù đã cho phép các di tích lịch sử, văn hóa hoạt động trở lại, các cơ quan chức năng vẫn lưu ý khách hành hương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể là yêu cầu mọi người thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K, khuyến khích người tham gia các hoạt động tại di tích đã tiêm đủ 2 liều vaccine trở lên hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ. Làm được như vậy, tức là mỗi người đã tự bảo vệ mình và cả cộng đồng, vì một mùa lễ hội an toàn./.
Theo Kinh tế và Đô thị