Vượt khó, trụ vững, xoay chuyển tình thế… là những cụm từ được nhắc đến nhiều vào dịp này khi các cấp, các ngành cùng nhìn lại 1000 ngày hoạt động đã qua của Chính phủ nhiệm kỳ này.
Để có được bức tranh sáng sủa của tình hình đất nước, để có được những thành tựu về kinh tế xã hội, chúng ta phải vượt qua muôn trùng sóng gió. Ba năm tưởng như dài bằng cả thập kỷ khi năm nào cũng có những diễn biến bất thường, khó lường nối nhau, như để thử thách bản lĩnh của những người chèo lái con thuyền kinh tế đất nước.
Có thể nói, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, có những khó khăn chưa có tiền lệ. Đại dịch COVID-19 kéo dài gây hậu quả nặng nề, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn biến phức tạp; cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel – Hamas ngày một lan rộng sang các nước láng giềng; hầu hết các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến suy giảm tăng trưởng và gia tăng rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế... tác động, ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên phạm vi toàn cầu.
Với độ mở của nền kinh tế trên 200%, kinh tế Việt Nam lẽ ra bị ảnh hưởng rất lớn, biến động gấp đôi kinh tế thế giới. Thế nhưng, Việt Nam vẫn nổi lên là một điểm sáng về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Kỳ tích không đến một cách tự nhiên. Trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nền kinh tế của chúng ta có sự hồi phục, tăng trưởng như vậy là có sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và điều hành linh hoạt, sáng suốt của Chính phủ, cũng như quyết tâm đồng lòng vượt khó của doanh nghiệp và nhân dân.
Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 7), Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ trong nửa đầu nhiệm kỳ 2021-2026, đất nước ta đã vững vàng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận, đóng góp vào kết quả này có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các cấp.
Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao nỗ lực, kết quả mà đất nước ta đạt được trong hơn nửa chặng đường của nhiệm kỳ khóa XIII, cũng như bản lĩnh vượt sóng gió của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việt Nam nổi lên là một điểm sáng về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu |
Nhìn nhận 1.000 ngày hoạt động vừa qua của Chính phủ, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tâm đắc với 2 từ: Trụ vững và xoay chuyển tình thế. Nền kinh tế "trụ vững" trong đại dịch COVID-19, vượt qua tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng, đồng thời, tạo lập cơ sở để chuyển nhịp, bước vào quỹ đạo phát triển mới - công nghệ cao, hội nhập quốc tế tầm cao một cách tự tin.
Ông cũng đánh giá cao nguyên tắc "tình thế bất thường, giải pháp phải khác thường" mà Chính phủ vận dụng. "Không có vấn đề nào không có cách giải quyết" là lời Thủ tướng nhiều lần khẳng định.
Cách điều hành vĩ mô của Chính phủ thời kỳ sóng gió vừa qua đã thể hiện phần nào năng lực và bản lĩnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Giữ nhịp tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô cho nền kinh tế mở trong điều kiện thế giới đứt chuỗi cung ứng, lạm phát cao là một thành tích thật sự có ý nghĩa. Đó là kết quả của cách quản trị - điều hành linh hoạt, theo tinh thần "ứng vạn biến" tích cực.
Dưới lăng kính quốc tế, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ông Andrea Coppola nhận định suy thoái toàn cầu là cú sốc lớn đối với nền kinh tế mở của Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng mà nhiều quốc gia trên thế giới kỳ vọng. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong TOP những nước hàng đầu khu vực và thế giới.
Có thể nói, với các bước đi rất cụ thể, sâu sát, tự tin, kiên trì, không đao to búa lớn, Chính phủ nhiệm kỳ này đã bắt tay thực hiện công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế theo cách "không trông chờ ỷ lại, tự lực tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", tạo chuyển biến từ việc nhỏ để làm nên sức bật đổi mới mạnh mẽ.
Từ những cuộc họp bất kể ngày đêm bàn tới bàn lui tìm lời giải bài toán phát triển, Thủ tướng muốn chắt chiu từng phần trăm tăng trưởng cho nền kinh tế, với tinh thần "suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn. Suy nghĩ xong thì bắt tay hành động, làm tốt hơn, nói đi đôi với làm, nói ít, làm nhiều, không phô trương, hình thức".
Đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định rằng, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng với các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đã đi vào cuộc sống như một lẽ tự nhiên, bởi tính đúng đắn, bởi mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế, với "ý Đảng hợp với lòng dân", và cũng bởi sự góp sức của Chính phủ, của các cấp, các ngành.
Con đường thịnh vượng cho đất nước, cho sự sung túc, khá giả hơn cho người dân, đã đòi hỏi Chính phủ, cả hệ thống chính trị phải ngày đêm lao tâm khổ tứ, vào cuộc nhanh chóng, chủ động, quyết liệt trong đương đầu với sóng gió, không thể để cơ hội phát triển vuột mất, toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Bước sang năm mới 2024, hơn lúc nào hết chúng ta cần phát huy những kết quả đã đạt được, khẩn trương hành động với tư duy đột phá, nắm bắt thời cơ, làm mới các động lực cũ, kiến tạo các động lực mới, khắc phục các yếu kém nội tại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đất nước tiếp tục vượt qua những hải trình sóng gió vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, người dân ấm no hạnh phúc hơn, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Nguồn Chinhphu.vn