Trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa Ðảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; có nhiều tham mưu, đề xuất với Ðảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền.
Đáng chú ý, Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác Hội và phong trào nông dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hội đã thực hiện tốt vai trò là “trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới”. Những hoạt động phong phú, thiết thực đó đã tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân cả nước phát triển mạnh mẽ, nhất là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hoạt động của các cấp hội nông dân đã góp phần đưa nhanh khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân...
Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn hạn chế, bất cập. Đó là chưa khơi dậy được hết tiềm năng, sức sáng tạo của nông dân. Việc thực hiện vai trò đại diện, nắm bắt, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của nông dân chưa kịp thời. Hoạt động giám sát, phản biện xã hội chưa đáp ứng yêu cầu. Phong trào nông dân phát triển chưa đồng đều, có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao. Một bộ phận nông dân có nhận thức, trình độ, năng lực còn hạn chế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Để phát huy được những thế mạnh, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, Nghị quyết số 46-NQ/TƯ đã xác định, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân và phong trào nông dân; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và xây dựng tổ chức hội là trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó chủ yếu, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền và ban chấp hành Hội Nông dân các cấp.
Ðảng và Nhà nước ta đã xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 46-NQ/TƯ là cơ sở quan trọng để khu vực nông thôn và đời sống nông dân có bước phát triển đột phá.
Vấn đề trọng tâm hiện nay là các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của Ðảng và Nhà nước. Cùng với đó, các cấp hội cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của giai cấp nông dân và các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, làm cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta có bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa.
Tất cả vì mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Theo Hà Nội mới