Trả lời: Quản lý nhà nước đối với đất đai là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện trên thực tế các chính sách của nhà nước về lĩnh vực đất đai. Đây là hoạt động của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc nắm chắc tình hình sử dụng đất đai, phân phối và phân phối lại theo quy hoạch, kế hoạch, trong việc kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng đất đai với mục đích sử dụng nguồn tài nguyên đất đai hiệu quả, tiết kiệm.
Nói cách khác, quản lý nhà nước ở trên, ta có thể hiểu quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai chính là toàn bộ những hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan quản lý về đất đai thực hiện nhằm xác lập một trật tự ổn định, phạt triển theo những mục tiêu, định hướng đã đề ra. Các hoạt động này được vận hành một cách thống nhất và được đảm bảo bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước thông qua các quy định của pháp luật. Trong lĩnh vực đất đai, công cụ mà Nhà nước sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội chính là Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn như các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của cơ quan chuyên môn quản lý về đất đai - môi trường, các văn bản hướng dẫn, công văn, nghị quyết, quyết định của các cơ quan chuyên môn ở địa phương.
Điều 20 Luật đất đai 2024 quy định về nội dung quản lý Nhà nước về đất đai, gồm 18 nhóm hành vi: 1. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai. 2. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hợp tác quốc tế trong quản lý, sử dụng đất đai. 3. Xác định địa giới đơn vị hành chính, lập và quản lý hồ sơ địa giới đơn vị hành chính. 4. Đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ địa chính, bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất và các bản đồ chuyên ngành về quản lý, sử dụng đất. 5. Điều tra, đánh giá và bảo vệ, cải tạo, phục hồi đất đai. 6. Lập, điều chỉnh, quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. 7. Giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, công nhận quyền sử dụng đất, trưng dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. 8. Điều tra, xây dựng bảng giá đất, giá đất cụ thể, quản lý giá đất. 9. Quản lý tài chính về đất đai. 10. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trưng dụng đất. 11. Phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất. 12. Đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ sơ địa chính; cấp, đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận. 13. Thống kê, kiểm kê đất đai. 14. Xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. 15. Quản lý, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. 16. Giải quyết tranh chấp đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai. 17. Cung cấp, quản lý hoạt động dịch vụ công về đất đai. 18. Thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Như vậy, nội hàm quy định của pháp luật về quản lý Nhà nước về đất đai là rất rộng, liên quan đến hoạt động sử dụng đất và hoạt động quản lý của cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về đất đai và cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động này. Vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước về đất đai là hành vi xâm hại các quy định của pháp luật liên quan 18 nhóm hoạt động nêu trên.
Trong đó, “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý đất đai” được tách ra thành một hành vi bị cấm riêng, gắn liền với chủ thể có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý đất đai, gồm các hành vi cụ thể như: Lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý hồ sơ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai. Người có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Các hành vi khác bao gồm: Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định về trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai./.
Quang Minh (tổng hợp)