Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các DN kinh doanh BĐS rất khó tiếp cận được các nguồn vốn từ cả kênh ngân hàng, trái phiếu, chứng khoán, lẫn từ khách hàng. Đồng thời, lãi suất, tỉ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng... Hậu quả là nhiều tập đoàn, DN phải thu hẹp quy mô kinh doanh; tinh giản bộ máy, giảm lao động (trong đó có DN giảm đến 50% lực lượng lao động); dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; chuyển nhượng bớt dự án để duy trì hoạt động...
Thị trường BĐS có đóng góp quan trọng trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và tác động sâu rộng đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực: nhà thầu xây dựng, nhà sản xuất, cung cấp vật liệu và thiết bị, nhà cung cấp dịch vụ tiện ích bên trong công trình (điện, nước, viễn thông), giải quyết việc làm, thu ngân sách nhà nước… Nếu thị trường BĐS bị sụp đổ sẽ kéo theo hàng loạt các ngành nghề và hoạt động kinh tế đình trệ, kéo theo đình trệ tăng trưởng, thậm chí dẫn đến suy thoái kinh tế và cuốn theo cả hệ thống tài chính mất thanh khoản, đưa nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Do vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS không phải là “giải cứu” BĐS mà là tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế phát triển, đồng thời là giải pháp để giải phóng các khoản nợ của hệ thống tài chính đang nằm trong các dự án BĐS dở dang.
Theo các chuyên gia kinh tế, khó khăn của thị trường BĐS hiện nay khác so với giai đoạn 2010-2012 - thời kỳ thị trường tồn kho do thừa cung BĐS nên giá BĐS giảm rất sâu nhưng không bán được. Trái lại, hiện nay, thị trường BĐS đình trệ nhưng giá các loại BĐS có thể đưa vào sử dụng ngay như căn hộ chung cư vẫn tăng và lượng cung ở hầu khắp các phân khúc đều sụt giảm mạnh, đến 50%, thậm chí có phân khúc gần bằng không.
Như vậy, thị trường đình trệ do thiếu nguồn cung BĐS nhà ở, trong khi cầu về nhà ở vẫn có, thị trường BĐS công nghiệp vẫn phát triển tốt, các luồng thu hút đầu tư đang tăng, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mở rộng nên dự báo cầu BĐS sẽ sớm phục hồi và tăng nhanh. Do vậy, nếu được tháo gỡ các nút thắt để tái lập nguồn cung thì thanh khoản của thị trường sẽ hồi phục trở lại.
Để thúc đẩy phát triển thị trường BĐS, hàng loạt giải pháp đã được các DN, cơ quan hữu quan đưa ra như: hoàn thiện thể chế; tổ chức thực thi pháp luật; thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho DN, người mua nhà và nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay, sớm ban hành nghị định sửa đổi quy định về việc phát hành trái phiếu DN; rà soát, sửa đổi các vướng mắc chính sách tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu. Điều đó đòi hỏi cơ quan quản lý, DN, ngân hàng, khách hàng phải đoàn kết, cùng xử lý các vấn đề. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững để tổ chức thực hiện hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, người dân và DN.
Những khó khăn, vướng mắc của thị trường BĐS đã được mổ xẻ khá toàn diện, đồng thời nhiều nhóm giải pháp tháo gỡ đã được các DN, chuyên gia, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương đề xuất. Hy vọng rằng, những ách tắc của thị trường BĐS sẽ sớm được “khơi thông” để phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế và góp phần ổn định an sinh xã hội.
Báo Vũng Tàu