Xếp hạng tín nhiệm đánh giá khả năng cũng như mức độ sẵn sàng của quốc gia trong việc hoàn trả nghĩa vụ nợ trong tương lai. Hệ số này là thước đo định tính do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm đưa ra dựa trên đánh giá định lượng về các chỉ số nợ, thu chi ngân sách, dự trữ ngoại hối, tăng trưởng kinh tế, lạm phát, đầu tư, lãi suất... cũng như đánh giá định tính về tình hình chính trị và triển vọng kinh tế vĩ mô trong tương lai. Đây là chỉ số cơ bản được các nhà đầu tư xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó.
Đường phố Hà Nội trang hoàng rực rỡ chào đón SEA Games 31. Ảnh: Kinh tế và Đô thị
Mức độ tín nhiệm càng cao thì chi phí vay càng thấp và khả năng tham gia thị trường càng tốt. Đơn cử như vốn vay rẻ hơn khoảng 1 điểm %, tức là vay 1 tỷ USD sẽ tiết kiệm được 230 tỷ đồng, không chỉ vay rẻ hơn, mà còn có thể vay được nhiều hơn và vay được lâu hơn. Ngoài ra, việc nâng hạng còn góp phần nâng cao uy tín của quốc gia, đồng thời gia tăng niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Đạt được chỉ số tín nhiệm quốc gia cao là điều kiện để kêu gọi các nhà đầu tư, thu hút nguồn lực đầu tư giúp cho tăng trưởng kinh tế.
Từ năm 2013 - 2021, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn nằm trong có xu hướng tốt lên. Cụ thể là tăng từ B2 lên Ba3 theo đánh giá của Moody’s, từ BB- lên BB theo đánh giá của S&P và từ B+ lên BB theo đánh giá của Fitch. Những lần nâng hạng tín nhiệm trong 9 năm qua, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đều nhất trí rằng, Việt Nam có một nền kinh tế tăng trưởng bền vững, tốc độ tăng trưởng GDP cao và khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được chia thành 2 mức chính, gồm mức "đầu tư" với 4 hạng khác nhau, mức cao nhất là AAA, cao AA, cao trung bình A và trung bình BBB. Tiếp đến là mức "dưới đầu tư", gồm các hạng BB, B, CCC và mức "đầu cơ" gồm các hạng CC, C và D. Hiện Việt Nam đang được các tổ chức đánh giá ở mức BB và có triển vọng "tích cực" BB+. Nếu Việt Nam phấn đấu qua được BB+ để sang mức "đầu tư" BBB- trở lên, đây là mức xếp hạng mà Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đạt được vào năm 2030 theo Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030.
Bộ Tài chính nhận định, thời gian tới phát triển bền vững tiếp tục là xu thế bao trùm thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn. Cùng với đó, tình hình quốc tế vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển nhưng gặp nhiều trở ngại, thách thức; chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng tăng lên; tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm.
Việc xây dựng mục tiêu, định hướng phấn đấu cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia sẽ tạo động lực cho từng ngành, lĩnh vực, bám sát mục tiêu tổng quát đề ra của Đảng và Nhà nước tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 về việc “nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam, cũng như những gì nền kinh tế Việt Nam đã và đang làm được để phục hồi bất chấp những ảnh hưởng do dịch Covid-19 gây ra trên toàn cầu. Việt Nam có cải cách mạnh trong thể chế, hành động của Chính phủ cũng rất quyết liệt. Việc nuôi dưỡng các cơ hội tăng trưởng dài hạn, cải thiện động lực thương mại và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài… Những yếu tố đó là cơ sở để các tổ chức thế giới dự báo chúng ta có thể tăng trưởng cao, đồng thời đạt được xếp hạng lên mức đầu tư trong trung hạn./.