Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang tại Hội nghị về quản lý nhà nước phương tiện thủy nội địa (khu vực phía Bắc) do Cục Đăng kiểm Việt Nam phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức ngày 6/11, tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang, hiện trạng số lượng phương tiện được đăng ký, đăng kiểm trong lĩnh vực đường thủy thời gian qua còn thấp, tạo ra nhiều hệ quả tiêu cực, chứng tỏ hiệu lực hiệu quả về việc đăng kiểm, đăng ký phương tiện thuỷ nội địa còn chưa đạt yêu cầu, không chỉ ở Trung ương mà ở cả địa phương.
“Điều kiện về an toàn kỹ thuật của phương tiện, trình độ người lái phần lớn chưa đáp ứng, chất lượng dịch vụ hàng hoá, hành khách còn ở mức thấp, ảnh hưởng đến việc phát triển đội tàu, kiện toàn đội ngũ thuyền viên, người lái”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhìn nhận.
Nguyên nhân theo Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang là do việc quản lý nhiều năm không được chú trọng, các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật tuy đã đầy đủ song chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tạo ra điểm nghẽn phát triển vận tải thuỷ nội địa cả nước.
Chưa kể, các doanh nghiệp, chủ phương tiện còn nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu; nhiều cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải phương tiện tự phát, không đủ năng lực đóng tàu nhưng vẫn đóng gây khó khăn khi thực hiện đăng kiểm.
Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đăng ký đăng kiểm song phải ưu tiên đảm bảo an toàn cho phương tiện; cho người dân, để phát triển bền vững, sao cho ngành đường thuỷ nội địa thời gian tới có sự bứt phá, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng nhìn nhận, việc quản lý về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa còn nhiều bất cập, ngay từ mô hình đăng kiểm. Đến nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam vẫn hoạt động theo cơ chế tài chính doanh nghiệp, tự thu tự chi dẫn đến chồng chéo giữa quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công.
Việc thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền phổ biến các quy định văn bản pháp luật còn yếu; sự quan tâm của các cấp, các ngành ở lĩnh vực đường thuỷ nội địa có nơi, có chỗ còn không đạt yêu cầu, thậm chí buông lỏng. Một thời gian dài, kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa còn chưa được quan tâm đúng mức, các cơ chế chính sách ưu đãi cho phương tiện, chủ doanh nghiệp còn hạn chế.
Trong khi đó, chủ phương tiện, người lái nhận thức về quy định, ý thức chấp hành quy định chưa cao; công tác bảo trì, bảo dưỡng giữa các kỳ phương tiện còn chưa được quan tâm.
Từ thực trạng trên, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải, các doanh nghiệp, hiệp hội quan tâm đến việc rà soát các quy định pháp luật hiện hành, các văn bản quy phạm pháp luật để góp ý sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa việc kiểm tra giám sát, thanh tra nhất là ở các địa phương; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Đăng kiểm Việt Nam sớm hoàn thiện Đề án đổi mới việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm; sớm có văn bản về biên chế công chức cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Đáng chú ý, Thứ trưởng đề nghị thành lập tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải bao gồm đại diện các cơ quan, cục chuyên môn làm việc với từng địa phương, nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, từ đó, khái quát hoá, cụ thể hoá đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp.
Đối với các phương tiện đã đóng nhưng chưa được đăng ký, đăng kiểm; Thứ trưởng yêu cầu tổ công tác cùng các địa phương, doanh nghiệp tìm phương án tháo gỡ cho từng địa phương, thậm chí cho từng phương tiện. Cùng với đó, xem xét về giá dịch vụ đăng kiểm cho từng vùng miền.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chỉ ra nhiều tồn tại vướng mắc trong đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Đơn cử, nhiều phương tiện nhỏ, thô sơ thuộc diện phải đăng ký để quản lý nhưng số lượng đăng ký còn hạn chế; chưa có cơ sở dữ liệu trực tuyến về đăng ký phương tiện thủy nội địa trên phạm vi cả nước. Việc chia sẻ dữ liệu, thông tin về phương tiện thủy nội địa cũng chưa được quy định; số liệu đăng ký phương tiện thủy nội địa của tổng điều tra phương tiện thủy nội địa năm 2007 so với hiện nay đã không còn phù hợp.
Ngoài ra, theo ông Bùi Quốc Hưng, Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm Việt Nam, do phương tiện thủy nội địa thuộc dạng phải đăng kiểm đa dạng về công dụng, kích thước, trọng tải, khu vực hoạt động nên việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn chung áp dụng cho tất cả các phương tiện gặp khó khăn.
Thống kê trên cả nước còn 25/63 tỉnh chưa có cơ sở đóng tàu được xác nhận và cấp thông báo năng lực cơ sở đóng tàu, tập trung vào các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên hoặc một số tỉnh có ít phương tiện. Điều này dẫn đến hiện tượng người dân, doanh nghiệp đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện tại các cơ sở ở bãi ven sông, hồ không đủ điều kiện; hoặc phương tiện được đóng/gia công tổng đoạn, chi tiết tại địa phương khác (tại các cơ sở đóng tàu đã được xác nhận năng lực), rồi được vận chuyển từng phần hoặc các chi tiết, cụm chi tiết bằng đường bộ đến các bờ, bãi ven sông, hồ để lắp ráp hoàn chỉnh và hạ thủy phương tiện, gây khó khăn cho công tác đăng kiểm.
Bà Bùi Thị Hòa Bình, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình chia sẻ, trên địa bàn tỉnh có 260 phương tiện thủy nội địa chở khách chủ yếu trên lòng hồ; trong đó chỉ có 92 phương tiện đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm để hoạt động phục vụ nhu cầu của người dân, du khách. Các tàu còn lại chủ yếu đóng theo phương thức dân gian, không có hồ sơ thiết kế được thẩm định từ đầu dẫn đến gặp khó trong đăng ký, đăng kiểm.
Ngoài ra, trong số 5 cơ sở đóng tàu trên địa bàn chỉ có 1 cơ sở đủ năng lực kỹ thuật được xác nhận không đủ năng lực để phục vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Kinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cho hay, trên địa bàn hiện có khoảng 1.500 tàu dịch vụ đưa ngư dân đi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản đóng theo dân gian cũng chưa được đăng ký, đăng kiểm gây khó khăn trong quản lý và đảm bảo an toàn giao thông.
Từ những khó khăn trên, ông Hoàng Minh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện tổng điều tra phương tiện thủy nội địa; xem xét sớm ban hành thông tư quy định về quản lý, duy trì, chia sẻ và đảm bảo an toàn thông tin dữ liệu phương tiện giao thông vận tải; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến về đăng ký phương tiện thủy nội địa trên phạm vi toàn quốc; Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phương tiện thủy nội địa theo hướng phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giúp đảm bảo thực hiện thủ tục nhanh chóng, thuận tiện cho người dân; có cơ chế đặc thù về phí, lệ phí đăng ký, đăng kiểm cho những vùng, miền kinh tế đặc biệt khó khăn.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến ngày 1/11/2023, số phương tiện thủy nội đại đã đăng kiểm lần đầu là 289.875 phương tiện; trong đó, có 191.443 phương tiện (chiếm khoảng 66%) đã quá 10 năm không quay lại đăng kiểm (phương tiện loại lớn chiếm 5%, phương tiện loại nhỏ chiếm 61%). Số phương tiện này có thể đã giải bản hoặc không còn hoạt động. Ngoài ra có 2.994 tàu cấp VR-SB (sông pha biển) đang hoạt động.
Nguồn Báo tin tức