Theo hai nhà kinh tế trên, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, ấn tượng nhất trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á (không tính Trung Quốc), hội nhập sâu rộng vào thương mại toàn cầu nhiều thập kỷ gần đây. Nhóm các nhà kinh tế của AXA Investment Managers Asia khẳng định: “Việt Nam ngày càng tăng khả năng cạnh tranh thương mại và trở thành một trung tâm sản xuất hấp dẫn trên thế giới”.
Trong khu vực, Việt Nam được xếp hạng cao về hiệu quả kinh tế, được thúc đẩy nhờ lợi nhuận mạnh mẽ của phát triển sản xuất và tiềm năng xuất khẩu. Theo đánh giá của AXA Investment Managers Asia, việc Việt Nam hội nhập thành công trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là "chìa khóa" để hoạt động thương mại tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với đó, Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các khu vực, nền kinh tế lớn khác nhau trên thế giới như Trung Quốc, Liên minh châu Âu EU (EVFTA), Anh (UKVFTA), Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… qua đó tạo môi trường thuận lợi để quan hệ thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, Việt Nam thời gian qua vẫn được xem là một trong những nước được hưởng lợi nhiều nhất từ xung đột thương mại Mỹ - Trung, cùng với khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất tăng nhanh cũng góp phần đưa Việt Nam vươn lên trở thành cường quốc xuất khẩu trong khu vực ASEAN nói riêng và châu Á nói chung.
Thống kê cho thấy trong thập kỷ qua, giá trị ngành sản xuất của Việt Nam tăng cao nhất, gấp đôi mức tăng của Ấn Độ. Nhóm nghiên cứu của AXA Investment Managers Asia cho biết: “Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu tăng gấp 5 lần trong thập kỷ qua - vượt trội hơn hẳn so với phần còn lại của khu vực châu Á”.
Theo AXA Investment Managers Asia, một trong những nguyên nhân quan trọng để Việt Nam vươn lên như một cường quốc sản xuất, lắp ráp thương mại là khả năng thu hút doanh nghiệp tái định cư, tái thiết lập cứ điểm sản xuất.
Số liệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 29% trong năm 2019, và cuối năm ngoái, Việt Nam trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 6 vào thị trường Mỹ, tăng từ vị trí thứ 12 năm 2017. Cùng với đó, Việt Nam đặc biệt thành công trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ suốt thời gian qua.
Đến năm 2020, Việt Nam có 369 khu công nghiệp, tăng 180% so với năm 2005. Việt Nam cũng đã thăng hạng trong xếp hạng chỉ số “thuận lợi kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 23 bậc lên hạng 70 so với 10 năm trước. Đặc biệt, dòng vốn FDI của Việt Nam cũng tăng nhanh nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, về các điểm đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên mức độ thuận lợi kinh doanh, chất lượng hậu cần, chi phí tiền lương, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng như những thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu và FDI, Việt Nam được đánh giá là nước có khả năng cạnh tranh cao nhất trong khu vực. Điều này giúp gia tăng thị phần xuất khẩu ấn tượng trong những năm gần đây./.
Thọ Anh/TTXVN