Tại Tọa đàm, các vị khách mời khẳng định vai trò quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Bất chấp đại dịch COVID-19, công tác chuyển đổi số thời gian qua đã phục vụ người dân và góp phần tăng trưởng doanh thu của nhiều ngân hàng.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng là ngành đầu tiên đi trước một bước. Trong thời kỳ giãn cách, người dân vẫn giao dịch, thanh toán mua hàng hóa bình thường. Nếu không chuyển đổi số sẽ không thể làm được điều đó.
Ngành ngân hàng cũng được hưởng lợi khi chuyển đổi số thành công. Một số ngân hàng lớn như VP Bank, Techcombank, MB, HDBank… chuyển đổi số sớm và đã thu được kết quả rất khích lệ. Đó là CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lên đến 40 - 50%, góp phần đưa lợi nhuận của ngân hàng lên rất lớn. Đây cũng là một tiền đề để các ngân hàng khác từng bước chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu của người dân, người dân sử dụng tiện ích nhất và ngân hàng được hưởng lợi.
Cho biết ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước thông tin, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, khi tỷ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã giúp rút ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi.
Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, 95% đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số và các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hóa, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.
Còn chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Phạm Xuân Hòe đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã có những bước chủ động đi rất nhanh, sớm về mặt thể chế, như chính sách về trung gian thanh toán, hay thẻ tín dụng và một số nghiệp vụ thấu chi trên tài khoản của khách hàng cũng giúp cho câu chuyện công nghệ số áp dụng nhanh hơn. 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số.
“Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng”, ông Phạm Xuân Hòe nói.
Song, các vị khách mời cho rằng, quá trình chuyển đổi số cũng mang đến những khó khăn và thách thức cho các ngân hàng thương mại từ cả bên trong đến bên ngoài, từ những quy định về mặt pháp lý, sự thiếu hụt nhân sự chất lượng cao đến hạn chế về nền tảng công nghệ. Thách thức lớn nhất được Tiến sỹ Phạm Xuân Hòe chỉ ra là câu chuyện về hành lang pháp lý thiếu và không đồng bộ. Ví dụ như Luật Giao dịch điện tử chưa kịp sửa, hay Luật Kế toán đã có những câu chuyện “mắc” cho số hóa ngành ngân hàng, đơn giản chỉ là dấu chấm hay dấu phẩy. Hay câu chuyện chia sẻ dữ liệu dân cư thế nào để các tổ chức tín dụng có thể xác thực khách hàng.
Thách thức thứ hai là vốn đầu tư cho công nghệ thông tin rất lớn, không thể một sớm, một chiều có ngay tiền được. Thách thức thứ ba, rất quan trọng, là vấn đề về nhân sự, bởi trong môi trường số mà không hiểu về số, về công nghệ thông tin, bảo mật an toàn thì chắc chắn sẽ vi phạm. Không được đào tạo lại cũng rất nguy hiểm.
Ông cũng chỉ ra thách thức về vấn đề hacker tấn công trên không gian mạng và luôn có rủi ro mất tiền; mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, cũng như sử dụng sản phẩm số vẫn chưa theo kịp với công nghệ phát triển ngày nay. Chính vì vậy, nhiều người chủ quan, cho mượn tài khoản, thậm chí cho cả người thân, con cái mật khẩu, mã số giao dịch, dẫn đến mất trộm tiền.
Đồng quan điểm, theo ông Lê Anh Dũng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ, “số” chỉ là công cụ, đòn bẩy, còn chuyển đổi là thay đổi rất lớn, từ tư duy, nhận thức đến văn hóa, khả năng thích ứng với sự thay đổi của thị trường và người dùng.
Đề cập đến những vướng mắc khi Luật Giao dịch điện tử chưa được sửa đổi, bổ sung, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng cho hay, gần như trên 90% các dịch vụ thanh toán liên quan tiền gửi đều có thể triển khai chuyển đổi số, nhưng dịch vụ cho vay và các dịch vụ khác liên quan đến các bộ, ngành thì vướng, chưa thể triển khai được.
“Trong chương trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại gặp rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, nhưng cũng biết vượt qua khó khăn để đáp ứng được yêu cầu vừa đưa vào thực tế ứng dụng được, vừa triển khai theo đúng quy định của pháp luật”, ông Hùng nói.
Ông mong muốn các cấp, các ngành và người dân hiểu, chia sẻ cho ngành ngân hàng nói chung, cũng như các tổ chức tín dụng trong quá trình chuyển đổi số, vì thời gian vừa qua xảy ra những chuyện như trục lợi, lừa đảo thông qua tin nhắn, hoặc mất tiền trong tài khoản; cho biết, sẽ phối hợp, kiến nghị với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp phù hợp đảm bảo người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán thông qua chuyển đổi số một cách an toàn hiệu quả, yên tâm.
Báo Tin tức