Lạc quan về thương mại
Theo Bangkok Post, đợt tái bùng phát Covid-19 từ ngày 25-7 tại Đà Nẵng, làm dấy lên lo ngại du lịch và nhiều hoạt động khác có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, sau một tháng của đợt bùng phát mới, Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình. Trước đó, suốt hơn 3 tháng Việt Nam không có ca mắc Covid-19 lây lan trong cộng đồng. Nhưng điều đó chưa phải là tất cả, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia được dự báo sẽ có mức tăng trưởng dương tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay.
Ngành dệt may đóng góp quan trọng cho GDP của Việt Nam. Ảnh: Sài Gòn giải phóng
Để duy trì tốc độ tăng trưởng, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA - có hiệu lực từ tháng 8) sẽ là động lực thúc đẩy cần thiết sau đại dịch. Báo dẫn tin từ Reuters cho biết, EVFTA sẽ xóa bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai bên, giúp các nhà xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường quy mô 18.000 tỷ USD. Chính phủ Việt Nam dự báo xuất khẩu sang EU sẽ tăng 42,7% trong vòng 5 năm tới. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, thỏa thuận này có khả năng cho thấy GDP của Việt Nam đạt 2,4% và tổng xuất khẩu của Việt Nam tăng 12% vào năm 2030.
Cũng theo Bangkok Post, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan tại EU theo Chương trình ưu đãi chung (GSP). EU là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, chiếm khoảng một nửa tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của cả nước. Trong đó, được hưởng lợi chính từ hiệp định sẽ là hàng may mặc, chiếm khoảng 10% xuất khẩu của cả nước. EU là thị trường may mặc lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của cả nước vào năm ngoái. Bangkok Post cho rằng, được hỗ trợ bởi hơn chục FTA, Việt Nam đã nổi lên như một mắt xích chính trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Trong khi đó, ngành công nghiệp may mặc có một chuỗi cung ứng khu vực tích hợp cao và việc xuất khẩu quần áo có nhãn “Made in Vietnam” ngày càng tăng, có thể mang lại lợi ích cho các nhà máy liên quan ở Campuchia, nơi ngành công nghiệp may mặc là một trong số ít những ngành tạo ra việc làm và ở Bangladesh, nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Châu Á vẫn là cơ sở cung ứng hàng may mặc lớn nhất cho các thương hiệu thời trang phương Tây. Nhiều nước đã đa dạng hóa nguồn cung ứng ngoài Trung Quốc, đơn đặt hàng đã đổ về các quốc gia châu Á khác, chủ yếu là ở Bangladesh và Việt Nam.
Bên cạnh hàng may mặc, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng Mỹ đa dạng hóa nguồn cung ứng. Các công ty đa quốc gia bao gồm Apple, Samsung và Nintendo đã chuyển một số nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các cụm xuất khẩu lớn về thiết bị điện tử và hàng dệt may đã xuất hiện ở Việt Nam để thu hút các nhà sản xuất toàn cầu và các khu công nghiệp đang bùng nổ.
Ấn tượng thu hút FDI
Tờ Forbes phiên bản Israel ngày 30-8 đăng tải bài viết điểm lại những điểm sáng về kinh tế của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2020. Bài viết dẫn lời của Edward Teather, chuyên gia kinh tế về ASEAN của hãng nghiên cứu UBS, đánh giá Việt Nam đang bị tổn thất do tác động của Covid-19 nhưng về tổng thể vẫn là một trong những nền kinh tế sáng nhất tại khu vực.
Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam đang tìm cách gia tăng đầu tư công và tư ngay từ đầu năm để giúp nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu thu hút 35 - 36 tỷ USD vốn FDI trong năm nay. Tính đến cuối tháng 7, có 32.391 dự án FDI có hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 380,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 221,8 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam thu hút tổng cộng 18,82 tỷ USD, tương đương 93,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Forbes nhận định: Việt Nam là điểm sáng về thu hút các công ty sản xuất lớn tìm đến khi dẫn công bố của Tổ chức Thương mại Ngoại thương của Nhật Bản (JETRO), cho biết, 15/30 Công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong chính sách mở rộng sản xuất trong chương trình của Chính phủ Nhật Bản về hỗ trợ các công ty nước này đa dạng hóa chuỗi giá trị tại nước ngoài.
10 lĩnh vực thu hút vốn FDI nhất năm 2019. Ảnh: Diễn đàn doanh nghiệp
Bài viết “Việt Nam: Ngôi sao sáng tại châu Á” trên tờ Jerusalem Post đánh giá cao việc Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, mở cửa, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và tích cực hội nhập quốc tế. Chính sách này đã giúp Việt Nam thiết lập được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đó, hiệp định tự do thương mại thế hệ mới nhất trên thế giới này giúp hạn ngạch xuất khẩu của Việt Nam tới các nước thành viên như Nhật Bản, Canada và Mexico tăng mạnh so với năm 2018.
Bài viết cũng nhắc lại sự kiện, năm 2019, Việt Nam ký EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư với EU (EVIPA), kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Tờ Jerusalem Post nhấn mạnh, Việt Nam và Mỹ kể từ khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, thương mại song phương tăng từ 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019. Trong nhiều năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hàng hóa Mỹ.
Về kinh tế, bài viết trên Jerusalem Post dẫn lại các dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2020, lần lượt là 2,7% và 4,9%, bất chấp dịch Covid-19. Bài viết đánh giá, nếu thực hiện được mục tiêu tăng trưởng này, Việt Nam sẽ bảo vệ được vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhất của Đông Nam Á, cũng giống như việc Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực vượt qua được Covid-19.
Nguồn SGGP