Kể từ khi thành lập (8/8/1967), 55 năm qua, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả to lớn, trở thành một tổ chức đóng vai trò trung tâm trong khu vực. Điều này có nền tảng từ những thành quả hợp tác mà ASEAN đã đạt được trong quá trình hình thành và phát triển, từ quan hệ hợp tác với các đối tác bên ngoài, cũng như từ những thành công của các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực mà Hiệp hội khởi xướng và dẫn dắt.
Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào ngày 28/7/1995 là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu bước đi đầu tiên của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam tích cực và chủ động tham gia hội nhập kinh tế ASEAN
Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Bộ Công Thương cho biết, ngay từ khi gia nhập, Việt Nam đã chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN, đặc biệt là các hoạt động hợp tác kinh tế. Thúc đẩy việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với các nước ASEAN, Việt Nam đã nỗ lực triển khai các cam kết, sáng kiến, đặc biệt là các biện pháp ưu tiên nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC hướng tới mục tiêu thành lập AEC.
Với nỗ lực này, ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được hình thành với mục tiêu biến ASEAN thành một thị trường chung và một cơ sở sản xuất đơn nhất, trong đó, hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được tự do luân chuyển trong nội khối ASEAN với mức độ tự do hóa thuế quan lên tới khoảng 98 - 99%, các gói cam kết tự do hóa thương mại dịch vụ được thực thi, tạo nên một khu vực thương mại tự do với môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh và hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với các Đối tác ngoại khối như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Canada, Vương quốc Anh... đặc biệt đã ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ASEAN với một số Đối tác trên như: FTA ASEAN - Trung Quốc, FTA ASEAN - Nhật Bản, FTA ASEAN - Hàn Quốc, FTA ASEAN - Ấn Độ, FTA ASEAN – Australia – New Zealand, FTA ASEAN – Hong Kong (Trung Quốc), giúp tăng trưởng thương mại và hợp tác kinh tế giữa ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong quan hệ hợp tác với các Đối tác này.
Năm 2020, với việc là Chủ tịch ASEAN và đảm nhiệm vai trò thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên phát huy tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” với hàng trăm cuộc họp được tổ chức thành công theo hình thức trực tuyến đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến nhằm tạo điều kiện củng cố chuỗi cung ứng khu vực, khắc phục hậu quả tiêu cực do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế, tiêu biểu như Kế hoạch phục hồi tổng thể ASEAN, Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng và Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc xử lý các biên pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu.
Bên cạnh đó, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng RCEP, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp, từ cấp kỹ thuật đến cấp Bộ trưởng, với các nước ASEAN và các nước đối tác, để tìm giải pháp và thúc đẩy đồng thuận nhằm xử lý các vấn đề vướng mắc trong đàm phán, dẫn đến việc ký kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định và ký kết Hiệp định vào ngày 15/11/2020. Đây là một nỗ lực rất lớn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, được các nước ASEAN và đối tác đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
“Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì định hướng hội nhập ASEAN là một trong những ưu tiên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, khẳng định tinh thần chủ động, năng động trong việc triển khai các sáng kiến thực hiện Cộng đồng Kinh tế ASEAN, góp phần tăng cường sự gắn kết chặt chẽ, phát huy tố chất của một khu vực kinh tế ASEAN năng động, khẳng định vai trò trung tâm trong hợp tác kinh tế ở khu vực”, bà Phạm Quỳnh Mai cho biết.
Gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam thay đổi vượt bậc
Theo bà Phạm Quỳnh Mai, sau 27 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi vượt bậc về mọi mặt so với những ngày đầu gia nhập ASEAN. Cụ thể, GDP bình quân đầu người tăng hơn 13 lần, quy mô nền kinh tế tăng hơn 17 lần từ GDP 20,7 tỷ USD năm 1995 lên 362,6 tỷ USD vào năm 2021, đứng thứ sáu trong khu vực ASEAN tính theo GDP danh nghĩa (thứ 3 nếu tính theo sức mua tương đương, chỉ sau Indonesia và Thái Lan). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ 5,2 tỷ USD vào năm 1995 lên 336,3 tỷ USD vào năm 2021.
Hội nhập kinh tế ASEAN là nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, góp phần quan trọng mang lại sự phát triển kinh tế vượt bậc của đất nước ta trong những năm qua, giúp gia tăng xuất khẩu và mở rộng cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, người dân được tiếp cận và mua sắm các hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng với giá cả hợp lý từ các nước trên thế giới. Việc thực thi các cam kết hợp tác trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho đất nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
“Chúng ta có thể đạt được kết quả này là do trong quá trình xây dựng chính sách hội nhập kinh tế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chính phủ luôn tham vấn chặt chẽ các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo quá trình xây dựng AEC luôn bám sát lợi ích của đất nước, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, Chính phủ đã và đang thực hiện nhiều nhóm giải pháp để tận dụng tối đa những lợi ích mà hội nhập kinh tế ASEAN nói riêng, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung mang lại cho doanh nghiệp và người dân”, bà Phạm Quỳnh Mai nhấn mạnh.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng thích ứng
Vậy phải làm thế nào để các chính sách kinh tế của Cộng đồng ASEAN mang lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và người dân? Theo bà Phạm Quỳnh Mai, trên thực tế, nhiều nội dung đã được triển khai hiệu quả tới nay.
Để phổ biến về Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã có chương trình truyền thông được triển khai từ năm 2010 đến nay, cung cấp nhiều sổ tay hương dẫn, tài liệu tham khảo, tổ chức các khóa đào tạo, hội thảo liên tục hàng năm ở các tỉnh, thành phố trên cả ba miền đất nước để phổ biến, cập nhật thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương.
Để tăng cường năng lực trong nước nhằm vận dụng các cơ hội của hội nhập kinh tế, Chính phủ đã triển khai các nhóm giải pháp ở nhiều phương diện: Nhóm giải pháp về phát triển thị trường và thương hiệu (mở rộng thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa cho doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp, ngành, quốc gia).
Nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh (như chuyển đổi phương thức sản xuất từ nhỏ, phân tán sang lớn, tập trung, từ gia công sang các công đoạn có giá trị cao hơn). Nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp (xúc tiến thương mại, nghiên cứu và dự báo thị trường, đổi mới công nghệ, bảo vệ thương hiệu, đào tạo nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng và cải thiện môi trường kinh doanh); nhóm giải pháp tăng cường vai trò hỗ trợ và liên kết của các hiệp hội ngành hàng...
Bà Phạm Quỳnh Mai cho rằng, về phần mình, doanh nghiệp và người dân cần có sự chủ động chuẩn bị và phối hợp với Chính phủ như chủ động tiếp cận, tìm hiểu thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt các cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam và các nước ASEAN thông qua trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ liên quan, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ tham gia công tác Cộng đồng Kinh tế ASEAN; chủ động nắm bắt các cam kết cụ thể về hội nhập ASEAN liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của mình nhằm xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp để có thể khai thác tối đa lợi ích do Cộng đồng Kinh tế ASEAN mang lại. Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả năng thích ứng với tiêu chuẩn trong khu vực ASEAN, tận dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khả năng kết nối mở rộng hợp tác trong khu vực./.
Hoàng Phạm/VOV.VN