Theo khảo sát của Vietnam Report, có đến 96,1% doanh nghiệp đang chịu áp lực tăng giá của các yếu tố đầu vào sản xuất; đặc biệt, cường độ áp lực tại 1/3 số doanh nghiệp này đang ở mức rất cao. Các khoản gia tăng chi phí sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong các tháng cuối năm bao gồm: lãi suất ngân hàng, tỷ giá hối đoái, giá xăng dầu, chi phí logistics trên thị trường quốc tế và mặt bằng thuế…
Cụ thể, Vietnam Report dẫn chứng, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ cao trên thế giới. Tính đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124% - mức cảnh báo nhiều khả năng các khoản vay sẽ trở thành nợ xấu trước làn sóng phá sản của doanh nghiệp.
Số liệu thống kê này đã phần nào phản ánh sự khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Đó cũng là lý do, Ngân hàng Nhà nước vừa quyết định nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng, khơi thông dòng vốn cho sản xuất để giảm phần nào sức ép từ chi phí lãi vay của doanh nghiệp.
Cùng với lạm phát, tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam (VND) với USD cũng đang trong xu thế nhích tăng tạo áp lực cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu. Tình trạng thua lỗ do tỷ giá hối đoái sẽ diễn ra tại nhiều doanh nghiệp sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài bằng đồng USD. Tỷ giá hối đoái gia tăng là rủi ro làm gia tăng chi phí nguyên liệu đầu vào, máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng cao. Chi phí logistics, vận tải trên thị trường quốc tế đang gia tăng mỗi ngày tạo sức ép cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra thị trường thế giới. Trung Quốc là thị trường lân cận, hiện cũng chưa hết áp lực nặng nề từ đại dịch COVID-19, trong khi đó các thị trường xuất khẩu chủ lực khác như Liên minh châu Âu (EU) hay Bắc Mỹ lại ở khoảng cách xa. Do đó, chi phí logistics và vận tải trên thị trường quốc tế cũng là yếu tố bào mòn dần lợi nhuận của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong cả kênh trực tiếp và gián tiếp.
Không những thế giá xăng dầu trong nước có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng tới lợi nhuận của doanh nghiệp và khiến việc sản xuất kinh doanh giảm tốc, tạo nên những khó khăn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế trong nước và tình hình thương mại toàn cầu. Giá xăng dầu tăng chính là nguy cơ khiến chi phí sản xuất, giá điện, giá xi măng… cũng sẽ gia tăng trong giai đoạn tới. Thuế cũng là một vấn đề căng thẳng.
Theo Vietnam Report, mặt bằng thuế cũng cần phải được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với thực trạng của nền kinh tế. Bởi, nếu không, rất có thể sẽ kéo giảm động lực tăng trưởng vĩ mô cũng như suy giảm sức cầu ở khu vực sản xuất vi mô. Đồng nghĩa với kinh tế vĩ mô sẽ bị ảnh hưởng và lâm vào tình trạng tăng trưởng trầm lắng kéo dài.
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report cho hay, theo dự báo, áp lực tăng giá sẽ còn kéo dài tới hết năm 2023 đối với 45,5% số doanh nghiệp. Đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào gia tăng sẽ bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Để có thể hoàn thành các chỉ tiêu của năm tài chính 2022 và các kế hoạch ngắn - trung hạn đã được lập trước đó, các doanh nghiệp cần phải đưa ra những chiến lược đúng đắn, linh hoạt và kịp thời.
Theo đó, giải pháp ưu tiên để tăng trưởng lợi nhuận trong những tháng cuối năm, tiếp theo là cần tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động; nghiên cứu và phát triển sản phẩm/dịch vụ mới. Song song đó cần có chiến lược cắt giảm chi phí, tăng cường hoạt động truyền thông, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số một cách toàn diện.
Báo Tin tức