Từ ngày 15/3/2022, Chính phủ đã cho phép mở cửa du lịch, nhiều đường bay quốc tế đã được khôi phục trở lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2022 đạt 596,9 nghìn lượt người, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 39,7 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch và các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Tính chung 11 tháng năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2.954,2 nghìn lượt người, gấp 21,1 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Lượng khách du lịch nội địa tháng 11/2022 cũng ước đạt 4,5 triệu lượt người; trong đó, khoảng 3 triệu lượt khách có lưu trú. Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, tổng số khách nội địa đạt 96,3 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Tổng thu từ khách du lịch trong 11 tháng năm 2022 ước đạt 456,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 70% so với cùng kỳ năm 2019...
Theo khảo sát các doanh nghiệp ngành du lịch, lữ hành và vận tải của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) tháng10 - 11/2022 cho thấy, có đến 32,6% số doanh nghiệp cho biết, doanh thu đã tăng lên trong 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 14% số doanh nghiệp cho biết doanh thu giảm. 60% doanh nghiệp ghi nhận số lượt hành khách phục vụ hiện tại đang ở dưới mức trước đại dịch, 44,4% trong số đó kỳ vọng sẽ đạt và vượt mức trước đại dịch vào quý 2/2023.
Với những điều kiện thuận lợi cho khách du lịch về tiếp cận điểm đến, thủ tục xuất nhập cảnh được đơn giản hóa, kéo dài thời gian thị thực, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ sớm hồi phục trở lại thời gian trước đại dịch.
Kết quả khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia của Vietnam Report thực hiện trong tháng 10 - 11/2022 đã chỉ ra 3 thách thức chính của ngành du lịch - vận tải hành khách, đó là chất lượng nhân sự còn yếu kém; thiếu nguồn cung lao động và thiếu sản phẩm du lịch. Để khắc phục những hạn chế chế nói trên, cần có sự nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch mới phù hợp với xu hướng; đồng thời, tăng cường quảng bá, truyền thông về những dịch vụ du lịch; các mô hình sản phẩm du lịch gắn với phát triển bền vững, bảo tồn thiên nhiên với những thông điệp hấp dẫn hay ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho khách và hình ảnh được lồng ghép trong các bộ phim, MV ca nhạc…
Ngành du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là quản trị cấp cao. Nguồn cung lao động du lịch cũng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê rằng, trong năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải cắt giảm nhân sự từ 70 - 80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35% và 10% lao động làm việc cầm chừng. Thực tế này khiến nhiều lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến sự thất thoát nhân lực nặng nề đối với ngành du lịch. Đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ của ngành du lịch.
Các chuyên gia tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng ngành du lịch Việt Nam đang tham gia vào quá trình hội nhập ASEAN thông qua Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau (MRA-TP), cho phép dịch chuyển lao động du lịch giữa các nước trong khu vực ASEAN. Đây vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức không nhỏ, nhất là đối với nguồn lao động du lịch trong nước. Vì mặt bằng chung về chất lượng nguồn nhân lực của ngành du lịch Việt Nam hiện còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành du lịch trong nước. Cùng với đó, là những khó khăn, thách thức khác ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành du lịch như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, biến động giá năng lượng...
Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report nhận định, đại dịch COVID-19 đã đưa ngành du lịch trở lại điểm xuất phát. Những thành quả khống chế dịch bệnh của Đảng và Nhà nước cùng với việc chọn thời điểm mở cửa du lịch phù hợp đã giúp ngành công nghiệp không khói phần nào gượng dậy. Tuy nhiên, chặng đường để có thể quay lại mức tăng trưởng thần kỳ như nhiều năm trước đây vẫn còn rất nhiều khó khăn. Sự phục hồi thực sự sẽ chỉ có thể thực hiện được khi du lịch quốc tế quay trở lại. Điều này đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và các giải pháp dựa trên bằng chứng về sự hạn chế đi lại được dỡ bỏ một cách an toàn.
Áp lực tái cấu trúc toàn diện để tạo bộ mặt mới và khởi động lại nền kinh tế du lịch dịch vụ đang đặt ra bài toán mà ngành này cần nhanh chóng tìm lời giải. Nghiên cứu của Vietnam Report chỉ ra các ưu tiên về chính sách cần được tập trung điều chỉnh và ưu tiên trong thời gian tới. Đó là cần khôi phục sự tự tin của khách du lịch; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thích ứng và tồn tại; thúc đẩy du lịch trong nước và hỗ trợ du lịch quốc tế trở lại an toàn; cung cấp thông tin rõ ràng cho khách du lịch và doanh nghiệp và hạn chế sự không chắc chắn (trong phạm vi có thể); phát triển các biện pháp ứng phó để duy trì năng lực trong ngành và giải quyết tình trạng thiếu hụt về nguồn lực; tăng cường hợp tác trong và giữa các quốc gia và xây dựng nền du lịch bền vững bằng nhiều giải pháp.
Nguồn TTXVN