Theo kiến nghị từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), để tạo cơ sở thu hút đầu tư vào ngành điện, Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII để EVN và các đơn vị có cơ sở triển khai thực hiện; trong đó, giao EVN làm chủ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia theo đề nghị của tập đoàn này.
Đặc biệt, để huy động vốn, đối với cơ chế, chính sách cho các khoản vay trong nước, EVN kiến nghị sửa đổi quy định về tỷ lệ giới hạn tín dụng quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng căn cứ theo đặc điểm, tính chất, quy mô của từng hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh cần huy động vốn.
Đối với ngành năng lượng do nhu cầu vốn đầu tư lớn, để đảm bảo thu xếp đủ vốn cho các dự án đầu tư nâng tỷ lệ giới hạn tín dụng như: Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô. Tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 50% vốn tự có của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Đối với cơ chế, chính sách cho các khoản vay nước ngoài, đại diện EVN đề xuất sửa đổi Nghị định 97/2018/NĐ-CP về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ cho phép EVN được vay lại vốn ODA theo cơ chế cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Tập đoàn này cũng cho rằng, năm 2022 là năm thứ 3 liên tiếp giá bán lẻ điện bình quân chưa được tăng mặc dù giá nhiên liệu đầu vào cho phát điện như than, dầu khí tăng rất cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và việc thu hút đầu tư nguồn điện. Vì vậy. Chính phủ xem xét phê duyệt lộ trình tăng giá điện giai đoạn 2023-2025.
Ông Lê Như Phước An, Phó Tổng giám đốc Trungnam Group cho hay, doanh nghiệp này đang triển khai nhiều dự án năng lượng tái tạo với nhiều dự án đưa vào lưới điện quốc gia, nhưng khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện các dự án rất nhiều. Tuy nhiên, cơ chế giá điện hiện cũng khá bất lợi với nhà đầu tư; nguồn vốn dùng ngoại tệ nhưng giá điện tính bằng VND, rủi ro cho doanh nghiệp.
Trungnam Group đã đầu tư toàn bộ chi phí xây dựng cũng như chi phí vận hành từ năm 2020 nên việc chỉ khai thác một phần công suất của dự án Điện mặt trời Thuận Nam do chưa có cơ chế giá điện rõ ràng đang gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp, khó khăn trong việc đảm bảo dòng tiền và trả nợ ngân hàng.
Ông Lê Như Phước An cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế huy động và đảm bảo nguồn tài chính tư nhân và quốc tế. Chính sách tài chính đẩy mạnh vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo cần được hoàn thiện; các chính sách thuế ưu đãi cho năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này cũng cần được sử dụng triệt để.
Theo các chuyên gia, cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh; trong đó, minh bạch giá điện, tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả cùng cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ trong thị trường điện cạnh tranh; điều chỉnh cơ cấu biểu giá điện để phù hợp với hệ thống tích hợp năng lượng tái tạo...
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, quá trình làm Quy hoạch điện VIII đang tập trung tính toán nhu cầu phát triển, từ đó đưa ra quy mô vốn đầu tư. Vấn đề này cần bàn thêm nhiều, ngay cả khi Quy hoạch điện VIII được thông qua.
Theo chia sẻ từ các doanh nghiệp, nguồn vốn cần cho phát triển nguồn và lưới điện trong thời gian tới là rất lớn. Muốn đạt được mục tiêu thu hút vốn, chính sách, cơ chế cho phát triển năng lượng tái tạo, lưới điện... cần liên thông, tránh đứt đoạn, tạo khoảng trống như vừa qua với điện mặt trời, điện gió. Có như vậy mới có thể huy động thêm vốn đầu tư tư nhân tham gia phát triển trong lĩnh vực điện.
Theo đại diện Công ty Điện gió Lagan, cần chính sách nhất quán và có lộ trình rõ ràng để thu hút đầu tư điện, đồng thời xây dựng cơ chế triển khai các vòng đấu thầu cạnh tranh, minh bạch sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường đầu tư.
Bên cạnh đó, cũng cần có một bản đồ Quy hoạch điện lực Quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa các nguồn điện khác nhau, hài hòa giữa nguồn - lưới và hài hoà giữa các vùng miền - toàn quốc gia. Bởi sự mất cân đối đã khiến những khu vực thừa điện phải cắt giảm công suất phát triển miền, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.
Ông Bùi Quốc Hùng, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương cho biết, để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải đấu nối
Theo đó, có cơ chế về phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, trình độ thị trường đã thay đổi. Từ đó để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), việc thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án năng lượng tái tạo và lưới truyền tải điện.
Nguồn TTXVN